DI CHÚC CÓ CÔNG CHỨNG


Từ xa xưa con người ta đã nhận thức ra được rằng: cuộc đời của mỗi người sẽ luôn trải qua các giai đoạn sinh – lão – bệnh – tử, không một ai có thể tránh khỏi. Con người dù sinh ra ở hoàn cảnh nào, giới tính nào, dân tộc nào, dù giàu hay nghèo, đến cuối cùng cũng không thể tránh khỏi cái chết. Xã hội ngày càng phát triển, khối lượng tài sản mà con người tạo ra ngày một nhiều và có giá trị cao. Trình độ nhận thức của con người cũng được nâng lên rõ rệt. Xuất phát từ việc ai cũng sẽ bước đến giai đoạn cuối của cuộc đời nhưng tài sản của họ vẫn sẽ còn tồn tại sau khi họ chết. Do vậy mà xuất hiện một nhu cầu rất văn minh của con người, đó là lập di chúc trước khi chết để định đoạt tài sản của mình, tránh những tranh chấp, mâu thuẫn có thể xảy ra trong tương lai đối với những người thân thích của họ liên quan tới vấn đề tài sản. Một trong những hình thức di chúc hiện nay được pháp luật ghi nhận và bảo đảm đó là di chúc có công chứng.

Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế, đất đai –0963.673.969 (Zalo)

Di chúc công chứng có một số các ưu điểm sau:

Đầu tiên phải kể đến hình thức di chúc này không phải chỉ có những người tham gia chứng kiến, làm chứng thông thường cho việc lập di chúc, mà người chứng kiến toàn bộ quá trình lập di chúc là một người có thẩm quyền được pháp luật ghi nhận, cụ thể là công chứng viên. Công chứng viên là những người có sự am hiểu về pháp luật, tường tận về nghiệp vụ công chứng nói chung. Công chứng viên sẽ xác nhận tính xác thực, tính hợp pháp của di chúc do người để lại di sản lập. Hiện nay, theo quy định pháp luật hiện hành thì đối với hình thức di chúc công chứng người để lại di sản có thể tự mình soạn thảo sẵn ở nhà và mang đến các tổ chức hành nghề công chứng để yêu cầu chứng nhận di chúc của mình; Hoặc cũng có thể đến trực tiếp các tổ chức hành nghề công chứng, để yêu cầu công chứng viên soạn thảo di chúc theo ý chí của mình và công chứng di chúc đó (Điều 635 và Khoản 1 Điều 636 Bộ luật dân sự năm 2015). Ngoài ra, tính bảo mật về nội dung của di chúc cũng là một trong những ưu điểm của di chúc có công chứng. Đây là quy định tại Điều 6 của Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ưu điểm khác nữa của di chúc có công chứng đó là người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng viên đến chỗ ở của mình để lập di chúc (Khoản 1 Điều 639 Bộ luật dân sự năm 2015). Tất nhiên để yêu cầu công chứng viên đến chỗ ở của mình để lập di chúc, thì họ phải thuộc những trường hợp pháp luật cho phép công chứng viên thực hiện ngoài trụ sở như: già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng (Khoản 2 Điều 22 Luật công chứng năm 2014).

Một số hạn chế

Hạn chế của di chúc có công chứng đó là khi muốn di chúc của mình được công chứng viên chứng nhận, thì người lập di chúc phải trả một khoản phí cho tổ chức hành nghề công chứng. Thêm nữa, vấn đề về khoảng cách địa lý giữa nơi ở của những người có nhu cầu lập di chúc với các tổ chức hành nghề công chứng cũng là một trong những hạn chế của hình thức di chúc này. Bởi trên thực tế không phải các tổ chức hành nghề công chứng đều phân bổ đồng đều ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Mà chỉ có một số các thành phố lớn, phát triển như ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,… thì số lượng và mật độ các tổ chức hành nghề công chứng mới nhiều, người dân mới dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ này. Ngoài ra di chúc được soạn thảo ở các tổ chức hành nghề công chứng thường theo các mẫu có sẵn của tổ chức hành nghề công chứng đó. Các mẫu di chúc này thường sơ sài, đơn giản nên phần nhiều có thể không thể hiện được hết ý chí của người để lại di sản. Một hạn chế nữa phải kể đến của di chúc có công chứng đó là: nhiều trường hợp người có di sản có nhu cầu lập di chúc, tự mình đến tổ chức hành nghề công chứng để yêu cầu lập di chúc của mình và không cho người khác biết về việc này. Hiện nay chỉ có một số tỉnh, thành phố mới có hệ thống Phần mềm Quản lý hợp đồng công chứng liên kết với các tổ chức hành nghề công chứng với nhau, dễ dàng trong việc tra cứu, quản lý, dữ liệu thông tin về các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng, tuy nhiên phần mềm này chỉ tra cứu được trong phạm vi tỉnh, thành phố đó. Trong khi đó luật công chứng cho phép người để lại di sản có thể lập di chúc ở bất cứ tỉnh thành nào trên cả nước, không bị giới hạn phạm vi địa hạt. Do vậy nên trường hợp trên thực tế có thể xảy ra là một người ở miền bắc nhưng lại vào miền nam lập di chúc và khi họ chết, những người thừa kế không thể biết được người để lại di sản có lập di chúc, bởi không có hệ thống cơ sở dữ liệu nào chung nhất cho việc tra cứu của cả nước. Thêm vào đó, các tổ chức hành nghề công chứng cũng không chủ động trong việc phải biết được người yêu cầu công chứng đã lập di chúc ở tổ chức của mình đã chết, di chúc đã phát sinh hiệu lực để thông báo cho những người thừa kế biết.

Những điều kiện của pháp luật hiện hành quy định để di chúc có công chứng được coi là hợp pháp.

Thứ nhất: Người để lại di sản phải là người đã thành niên hoặc người đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc (Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2015). Độ tuổi của cá nhân chính là mốc để phản ảnh năng lực nhận thức cũng như làm chủ các hành vi của cá nhân để thực hiện các quyền và nghĩa vụ. Thêm vào đó, pháp luật còn đòi hỏi người lập di chúc phải đảm bảo yêu cầu về ý chí tự nguyện, đích thực của bản thân mình. Do đó di chúc có công chứng được coi là hợp pháp khi người lập di chúc trong trạng thái tinh thần minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (Điểm a Khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015).

Thứ hai: Về hình thức và thủ tục lập di chúc. Di chúc có công chứng phải được lập thành văn bản. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên. Công chứng viên phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên ký vào bản di chúc. Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên. Công chứng viên chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng (Khoản 1 Điều 636 Bộ luật dân sự năm 2015).

Thứ ba: Về nội dung của di chúc có công chứng. Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân về việc định đoạt tài sản của mình trước khi chết. Tuy vậy nhưng không phải bất cứ nội dung gì mà cá nhân muốn cũng có thể đưa vào di chúc, cũng được coi là hợp pháp mà phải có các nội dung cơ bản sau: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản. Ngoài ra, di chúc còn có thể có thêm các nội dung khác tùy vào cá nhân mỗi người lập di chúc khác nhau. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc (Điều 631 Bộ luật dân sự năm 2015). Một điều đặc biệt quan trọng nữa là nội dung của di chúc phải không được vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội (Điểm b Khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015).

Thứ tư: Là yêu cầu về người công chứng di chúc. Theo quy định tại 637 Bộ luật dân sự năm 2015 để đảm bảo tính khách quan cho việc công chứng di chúc thì: Công chứng viên không được công chứng đối với di chúc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật; Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

Tóm lại, di chúc có công chứng mặc dù còn tồn tại nhiều hạn chế nhưng nó vấn là một trong những hình thức di chúc được pháp luật công nhận và bảo đảm. Tuy nhiên, di chúc có công chứng chỉ khi nào đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của pháp luật về hình thức, nội dung, các điều kiện về chủ thể người lập di chúc và người công chứng di chúc thì mới được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Bạn đang theo dõi bài viết được biên tập trên trang web của trungtamdichuc.com. Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn pháp luật từ các Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0963.673.969 (Zalo) để được hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất. 

Trân trọng./.

Thạc sỹ Bùi Quang Hưng

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *