GIỚI HẠN QUYỀN ĐỊNH ĐOẠT CỦA NGƯỜI LẬP DI CHÚC


Pháp luật về thừa kế luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ý chí của cá nhân trong việc định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Tuy nhiên sự tự do ý chí này không có nghĩa là pháp luật cho phép người lập di chúc có thể thoải mái, tùy tiện định đoạt trong nội dung di chúc. Mà sự tự do này luôn được đặt trong khuôn khổ nhất định nhằm tạo ra hành lang pháp lý xác định rõ những giới hạn quyền của người lập di chúc. Vậy giới hạn quyền định đoạt của người lập di chúc là gì? Cụ thể những giới hạn đó là như thế nào? Bài viết này của chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc trên cho bạn đọc.

Luật sư tư vấn phân chia di sản thừa kế – 0963.673.969 (Zalo).

Giới hạn quyền định đoạt của người lập di chúc là gì?

Giới hạn theo từ điển tiếng việt được hiểu là mức độ nhất định không thể vượt qua, hoặc có thể hiểu là hạn chế trong một phạm vi nhất định. Vậy giới hạn quyền định đoạt của người lập di chúc được hiểu đơn giản đó là phạm vi do pháp luật quy định quyền định đoạt mà người lập di chúc không thể vượt quá.

Mặc dù nguyên tắc: tự nguyện, tự do ý chí luôn là một nguyên tắc nền tảng của pháp luật dân sự nước ta nói chung và trong các quy định về thừa kế nói riêng. Tuy nhiên sự tự do này phải phù hợp với quy định của pháp luật trên cơ sở tôn trọng truyền thống tốt đẹp. Với nguyên tắc trên, quyền định đoạt của người lập di chúc bị giới hạn trong những trường hợp cụ thể sau:

Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

Pháp luật về thừa kế được xây dựng dựa trên hai cơ sở căn bản là phương diện về kinh tế và phương diện về đạo đức. Theo phương diện về kinh tế thì tài sản thuộc sở hữu cá nhân thì người đó hoàn toàn có quyền định đoạt tài sản của mình mà không bị giới hạn, hạn chế nào pháp luật. Tuy nhiên trên phương diện thứ hai là phương diện về đạo đức thì pháp luật thừa kế là một phương tiện pháp lý để dịch chuyển tài sản từ người chết sang cho những người khác còn sống. Qua đó phần nào cũng bảo đảm tôn trọng ý chí của người chết cũng như làm tròn bổn phận của họ đối với chính gia đình của họ. Bổn phận của mỗi người đối với gia đình không chỉ trong hiện tại mà còn có cả ở trong tương lại. Có nghĩa là mỗi người đều phải có bổn phận, trách nhiệm với nhau cả sau khi đã chết. Dựa trên cơ sở đạo đức, pháp luật thừa kế quy định rằng việc chuyển dịch tài sản của một người cho người khác trong gia đình là bổn phận bắt buộc đối với người để lại di sản. Do vậy người để lại di sản chỉ có thể định đoạt di sản bằng di chúc trong phạm vi pháp luật cho phép.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động. Quy định trên vừa thể hiện sự tôn trọng ý chí của người để lại di sản, nhưng mặt khác lại giới hạn quyền định đoạt của người lập di chúc. Về mặt đạo đức vừa để bảo đảm vấn đề về tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, vừa là để hoàn thành bổn phận nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng của người để lại di sản sau khi chết. Qua đó nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người có quan hệ thân thích với người để lại di sản. Đồng thời pháp luật vẫn cho phép người để lại di sản được tự do phần nào trong việc đinh đoạt tài sản, miễn là phải làm tròn bổn phận tối thiểu đối với gia đình.

Giới hạn trong việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng.

Pháp luật thừa kế nước ta luôn tôn trọng quyền tự định đoạt của cá nhân, do vậy cho phép họ có thể dành ra một phần di sản để dùng vào việc thờ cúng. Pháp luật cũng không quy định cụ thể, rõ ràng “phần” di sản ở đây là bao nhiêu, theo tỉ lệ như thế nào so với khối di sản mà người chết. Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi cho những người còn sống – những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến di sản của người chết, pháp luật hiện hành đã giới hạn quyền định đoạt của người lập di chúc trong việc dành một phần di sản để dùng vào việc thờ cúng. Cụ thể theo Khoản 2 Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2015 thì trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

Do vậy, mặc dù người lập di chúc đã thể hiện ý chí để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng trong di chúc nhưng nếu toàn bộ di sản của người đó để lại không đủ để thanh toán các nghĩa vụ tài sản của người đó thì ý chí kia của họ sẽ không được pháp luật bảo vệ. Từ đó dẫn đến phần di sản được định đoạt dùng vào việc thờ cúng sẽ được dùng để thanh toán các nghĩa vụ tài sản của người chết.

Giới hạn trong việc để lại di sản di tặng.

Giới hạn quyền định đoạt của người lập di chúc trong việc để lại di sản di tặng cũng tương tự như việc người đó để lại di sản dùng vào việc thờ cúng. Mặc dù pháp luật luôn tôn trọng quyền định đoạt, tự do ý chí của cá nhân tuy nhiên vẫn phải bảo đảm quyền lợi chính đáng cho những người khác còn sống. Do vậy trong trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này (Khoản 3 Điều 646 Bộ luật dân sự năm 2015).

Tóm lại, có thể thấy pháp luật về thừa kế được xây dựng dựa trên cơ sở về mặt kinh tế và mặt đạo đức. Do đó, bên cạnh sự tôn trọng sự tự do ý chí, tự do định đoạt của cá nhân đối với tài sản của họ sau khi chết, thì pháp luật vẫn luôn bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của những người khác còn sống. Những người khác ở đây có thể là những người thân thiết, gần gũi nhất trong gia đình đối với người để lại di sản như: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động. Mặc dù người để lại di sản có thể không cho hưởng hoặc cho hưởng nhưng ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật thì pháp luật vẫn ưu tiên cho những người này được thừa kế bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật. Thêm vào đó, quyền lợi của các chủ nợ vẫn luôn được bảo đảm ngay cả khi người để lại di sản đã định đoạt tài sản của họ dùng vào việc thờ cúng hoặc di tặng cho người khác. Đây chính là những giới hạn quyền định đoạt của người lập di chúc, trong giới hạn phạm vi bài viết chúng tôi chỉ có thể trình bày với bạn đọc một cách đơn giản, khái quát qua nội dung.

Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn pháp luật từ các Luật sư, chuyên gia pháp lý vui lòng liên hệ với chúng tôi qua trang web của trungtamdichuc.com hoặc Hotline: 0963.673.969  (Zalo) để được hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất. 

Trân trọng./.

Ths. Bùi Quang Hưng

 

5/5 (1 Review)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *