THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT


Theo quy định pháp luật hiện hành sự dịch chuyển tài sản thuộc sở hữu của một người đã chết sang người còn sống, được thực hiện theo một trong hai căn cứ là: ý chí của người để lại di sản và theo quy định của pháp luật. Thừa kế theo di chúc là trường hợp tài sản được dịch chuyển theo ý chí của người chết. Ngược lại, nếu sự dịch chuyển tài sản của người chết sang cho người sống căn cứ vào các quy định của pháp luật thì được gọi là thừa kế theo pháp luật. Do đó, có thể hiểu đơn giản quá trình dịch chuyển tài sản thuộc sở hữu của người chết sang cho người còn sống theo quy định của pháp luật được gọi là thừa kế theo pháp luật. Vậy những trường hợp nào thì tài sản của người đã chết sẽ được chia theo quy định pháp luật? Bài viết này của chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc trên của bạn đọc.

Luật sư tư vấn phân chia di sản thừa kế – 0963.673.969 (Zalo).

Phân loại các trường hợp thừa kế theo pháp luật

Theo quy định tại Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thừa kế theo pháp luật có thể được phân chia thành hai nhóm cơ bản sau:

Nhóm thứ nhất: Di sản thừa kế được chia hoàn toàn theo pháp luật, bao gồm:

– Không có di chúc.

– Di chúc không hợp pháp.

– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Nhóm thứ hai: Di sản vừa được chia thừa kế theo di chúc vừa được chia theo pháp luật, bao gồm:

– Có phần di sản không được định đoạt trong di chúc.

– Có phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật.

– Có phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Những trường hợp di sản được chia theo pháp luật

Như đã phân tích sự dịch chuyển tài sản thuộc sở hữu của người chết sang cho người còn sống theo quy định của pháp luật được gọi là thừa kế theo pháp luật. Vậy thừa kế theo quy định của pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất: Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc (Điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015). Nếu cá nhân trước khi chết có để lại di chúc, định đoạt tài sản của mình sau khi chết thì pháp luật dân sự nước ta luôn tôn trọng ý chí của họ. Ngược lại nếu người để lại di sản không lập di chúc hoặc có lập nhưng đã hủy bỏ di chúc đã lập thì tài sản của họ sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cũng được coi là không có di chúc trong những trường hợp người chết có để lại di chúc nhưng khi có tranh chấp về thừa kế xảy ra thì di chúc đó đã bị thất lạc hoặc đã bị hư hại hoàn toàn đến mức không thể hiện được đầy đủ, rõ ràng về ý chí của người lập di chúc và cũng không thể chứng minh được ý chí đích thực của người lập di chúc.

Trường hợp thứ hai: Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp di chúc không hợp pháp (Điểm b Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015). Cũng giống như các hợp đồng, giao dịch chỉ có giá trị pháp lý nếu như có đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Di chúc cũng chỉ được coi là hợp pháp khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện của pháp luật về thừa kế. Trường hợp cá nhân trước khi chết có để lại di chúc nhưng di chúc của họ không đáp ứng được một trong các yêu cầu của pháp luật về: hình thức, nội dung, chủ thể,… thì di chúc sẽ bị coi là không hợp pháp và không có hiệu lực pháp luật. Do đó di sản liên quan đến di chúc sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên trong thực tế không phải tất cả các bản di chúc không hợp pháp đều sẽ không có hiệu lực toàn bộ mà hiệu lực pháp luật ở nhiều mức độ khác nhau. Di chúc bất hợp pháp có thể bị coi là vô hiệu toàn bộ, những cũng có thể chỉ bị vô hiệu một phần. Do đó chỉ có phần nào di chúc bị vô hiệu thì di sản được đề cập đến phần đó mới được áp dụng quy định pháp luật để phân chia, còn những di sản thuộc những phần còn lại của di chúc vẫn được chia theo ý chí của người đã chết.

Trường hợp thứ ba: Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; Cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế (Điểm c Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015). Theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành thì điều kiện đối với người thừa kế nếu là cá nhân thì họ phải còn sống tại thời điểm mở thừa kế; Nếu là cơ quan, tổ chức thì phải còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Do vậy, nếu tất cả những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; Cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì toàn bộ di sản của người chết để lại được chia cho những người thừa kế theo quy định pháp luật của người đó. Trong trường hợp nếu chỉ có một hoặc một số người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; Một hoặc một số cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế, thì chỉ áp dụng thừa kế theo quy định pháp luật cho phần di sản liên quan đến người thừa kế theo di chúc đã chết, cơ quan, tổ chức không còn tồn tại tại thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp thứ tư: Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản (Điểm d Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015). Người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản chính là những người được chỉ định hưởng di sản nêu rõ trong di chúc. Tuy nhiên, bản thân họ lại thuộc vào những trường hợp bị tước bỏ quyền hưởng di sản. Do họ đã có những hành vi trái pháp luật, vi phạm đạo đức đối với người để lại sản hoặc những người thừa kế khác (Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015). Nếu toàn bộ những người thừa kế theo di chúc đều không có quyền hưởng di sản thì áp dụng quy định pháp luật về thừa kế để chia đối với toàn bộ di sản mà người lập di chúc đã để lại. Ngược lại, trong trường hơp chỉ có một hoặc một số người thừa kế theo di chúc bị tước bỏ quyền hưởng di sản thì chỉ áp dụng thừa kế theo quy định pháp luật để phân chia phần di sản có liên quan đến những người này.

Trường hợp thứ năm: Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp người thừa kế từ chối nhận di sản (Điểm d Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015). Trường hợp người thừa kế theo di chúc từ chối nhận di sản theo đúng quy định pháp luật, thì phần di sản liên quan đến họ được đề cập trong di chúc sẽ được áp dụng quy định pháp luật để giải quyết. Nếu người thừa kế theo di chúc không đồng thời là người thừa kế theo quy định pháp luật, thì việc họ từ chối nhận di sản chỉ là việc từ chối hưởng di sản theo di chúc. Ngược lại, nếu người thừa kế theo di chúc đồng thời là người thừa kế theo quy định pháp luật thì cần phải xác định rõ ràng họ từ chối hưởng toàn bộ di sản theo di chúc và cả pháp luật hay họ chỉ từ chối di sản theo di chúc. Trường hợp họ chỉ từ chối nhận di sản theo di chúc, thì họ vẫn là người thừa kế theo quy định pháp luật. Do đó họ vẫn được hưởng di sản khi áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật. Nếu người thừa kế từ chối toàn bộ di sản cả theo di chúc và theo pháp luật thì phần di sản có liên quan đến họ được áp dụng quy định của pháp luật để chia cho những người thừa kế khác.

Trường hợp thứ sáu: Thừa kế theo pháp luật được áp dụng đối với phần di sản không được định đoạt trong di chúc (Điểm a Khoản 2 Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015). Cá nhân có quyền định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi chết bằng di chúc, đây là một quyền được pháp luật dân sự ghi nhân, tôn trọng và bảo đảm. Tuy nhiên thực tế không phải tất cả mọi trường hợp cá nhân đều định đoạt hết các phần di sản của mình trong di chúc. Mà đôi khi sẽ bỏ xót, không nhắc đến. Vậy trong trường hợp này những phần di sản không được định đoạt trong di chúc, sẽ được áp dụng quy định theo pháp luật để chia.

Tóm lại, các quy định về chia thừa kế theo pháp luật chỉ được áp dụng khi người để lại di sản không để lại di chúc định đoạt tài sản của mình trước khi chết; Hoặc có để lại nhưng di chúc bị coi là không hợp pháp, không phát sinh hiệu lực; Hoặc những người thừa kế, cơ quan, tổ chức được thừa kế theo di chúc không còn tồn tại tại thời điểm mở thừa kế; Hoặc những người thừa kế từ chối nhận di sản, hoặc họ thuộc vào những trường hợp bị tước bỏ quyền hưởng di sản.

Bạn đang theo dõi bài viết được biên tập trên trang web của trungtamdichuc.com. Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn pháp luật từ các Luật sư, chuyên gia pháp lý vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0963.673.969 (Zalo) để được hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất. Trân trọng./.

Ths. Bùi Quang Hưng

5/5 (1 Review)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *