Trong đời sống hàng ngày một cá nhân sẽ tham gia vào rất nhiều các quan hệ, xác lập các giao dịch khác nhau. Chính các giao dịch đó sẽ làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ cho các chủ thể, họ có thể trở thành các chủ nợ hoặc con nợ,… Thực tế cho thấy những nghĩa vụ về tài sản phát sinh do quá trình xác lập các hợp đồng, giao dịch của các cá nhân có nhiều trường hợp họ chưa thực hiện hoặc đang thực hiện thì chết. Do vậy dẫn tới vấn đề đặt ra là quyền lợi của các chủ nợ trong trường hợp người chết chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa xong sẽ giải quyết như thế nào? Quyền lợi này của các chủ nợ này có được pháp luật bảo vệ hay không?
Xuất phát từ chính việc bảo đảm quyền lợi cho các chủ nợ cũng như bảo đảm ý nghĩa về mặt đạo đức “nghĩa tử là nghĩa tận” đối với chính người chết, pháp luật thừa kế đã có quy định về thanh toán di sản thừa kế. Vậy thanh toán di sản thừa kế là gì? Ai có nghĩa vụ phải thanh toán? Thứ tự ưu tiên thanh toán như thế nào? Bài viết sau đây của chúng tôi sẽ giải đáp những thắc mắc trên của bạn đọc.
MỤC LỤC
Thanh toán di sản thừa kế.
Có nhiều định nghĩa khác nhau về thanh toán. Một số quan điểm cho rằng thanh toán là việc chi trả tiền hoặc tài sản để giải quyết xong một khoản nợ nào đó. Quan điểm khác lại cho rằng thanh toán là sự chuyển giao tài sản của một bên (người hoặc công ty, tổ chức) cho bên kia, thường được sử dụng khi trao đổi sản phẩm hoặc dịch vụ trong một giao dịch có ràng buộc pháp lý. Do đó, có thể hiểu thanh toán di sản thừa kế chính là việc một người còn sống thay mặt và dùng tài sản của người đã chết để thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người đó với các chủ nợ, đồng thời dùng một phần tài sản của người đó để chi trả cho các chi phí phát sinh cho chính người chết như chi phí mai táng hoặc các chi phí khác cho việc quản lý di sản và phân chia di sản.
Vậy ai sẽ là người thay mặt cho người chết để thực hiện việc thanh toán di sản thừa kế cho các chủ nợ. Theo quy định tại Điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015 thì trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết đầu tiên sẽ thuộc về những người thừa kế. Nghĩa vụ này theo quy định là nghĩa vụ bắt buộc mà bất cứ người hưởng thừa kế nào (kể cả cá nhân, pháp nhân, tổ chức hay Nhà nước) cũng đều phải thực hiện.
Thứ tự ưu tiên thanh toán.
Về nguyên tắc, tất cả các khoản nợ, nghĩa vụ về tài sản của người chết đều phải được thanh toán nếu chủ nợ có yêu cầu và có căn cứ hợp pháp. Những nghĩa vụ này của người chết phải được thanh toán toàn bộ theo quy định pháp luật hoặc theo các thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật. Mặc dù vậy nhưng trên thực tế có rất nhiều trường hợp tổng số di sản mà người chết để lại không đủ để thanh toán, chi trả cho tất cả các khoản nợ phát sinh khi họ còn sống cũng như các chi phí khác phát sinh sau khi họ chết (chi phí mai táng, chi phí quản lý di sản,…). Dự liệu được vấn đề trên, pháp luật đã có quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán di sản thừa kế của người chết để lại. Theo đó các khoản chi phí, nợ, nghĩa vụ tài sản ở hàng sau phải nhường sự ưu tiên thanh toán cho hàng trước. Chỉ khi nào thanh toán đầy đủ các khoản nợ, chi phí cho hàng trước mà vẫn còn thừa di sản thì hàng tiếp theo mới được thanh toán. Thứ tự ưu tiên cụ thể như sau:
Thứ nhất, chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng (Khoản 1 Điều 658 Bộ luật dân sự năm 2015). Khi người để lại di sản chết sẽ phát sinh các khoản chi phí để thực hiện việc chôn cất người đó. Ở mỗi một địa phương với những phong tục, tập quán khác nhau sẽ có những chi phí khác nhau về việc mai táng cho người đã chết. Có nhiều địa phương vẫn còn giữ những tập quán lạc hậu, mang tính hủ tục. Vì vậy chỉ được sử dụng di sản của người đã chết để thanh toán những khoản chi phí được cho là hợp lý, tức là những khoản chi thực tế và cần thiết.
Thứ hai, tiền cấp dưỡng còn thiếu (Khoản 2 Điều 658 Bộ luật dân sự năm 2015). Theo quy định pháp luật hiện hành nghĩa vụ cấp dưỡng là loại nghĩa vụ đặc biệt gắn liền với nhân thân người có nghĩa vụ. Do đó khi người có nghĩa vụ chết thì đương nhiên nghĩa vụ này cũng chấm dứt. Tiền cấp dưỡng còn thiếu là khoản tiền mà người để lại di sản khi còn sống phải thực hiện nhưng chưa kịp thực hiện thì đã chết. Ví dụ như trường hợp A ly hôn với B theo Quyết định của tòa án thì A có nghĩa nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chung của A và B là A1 mỗi tháng 3 triệu đồng kể từ khi Quyết định của tòa có hiệu lực đến khi A1 đủ tuổi thành niên. Ngày 01/03/2021 A chết do tai nạn giao thông. Một tháng trước khi chết là tháng 02 năm 2021 A chưa thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của mình đối với A1. Theo quy định pháp luật thì nghĩa vụ cấp dưỡng của A chấm dứt kể từ ngày 01/03/2021, tuy nhiên số tiền cấp dưỡng 3 triệu đồng của tháng 02/2021 vẫn còn thiếu, do đó phải được thanh toán cho A1 trước khi đem di sản chia thừa kế.
Thứ ba, chi phí cho việc bảo quản di sản (Khoản 3 Điều 658 Bộ luật dân sự năm 2015). Đây là một loại chi phí thật sự cần thiết. Bởi nếu không bảo quản tốt di sản thì một số trường hợp di sản bị hư hỏng, hỏng hóc, mất mát, dẫn tới không còn giá trị để phân chia thừa kế cũng như thanh toán cho các khoản chi phí khác. Chi phí cho việc bảo quản di sản có thể là khoản tiền cần thiết phải chi trong thời gian quản lý di sản, bảo dưỡng, tu sửa những hư hỏng tự nhiên, chăm sóc súc vật, nông sản,…
Thứ tư, tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ (Khoản 4 Điều 658 Bộ luật dân sự năm 2015). Những người sống nương nhờ thường là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cô đơn, tàn tật, không có khả năng lao động,…Khi người cho họ sống nương nhờ chết (người để lại di sản) thì họ sẽ lâm vào tình trạng hết sức khó khăn về mọi mặt. Do vậy để cứu giúp họ phần nào trong cuộc sống, khi thanh toán di sản thừa kế sẽ được trích một phần cho họ.
Thứ năm, tiền công lao động (Khoản 5 Điều 658 Bộ luật dân sự năm 2015). Đây là loại nghĩa vụ về tài sản mà người chết với vai trò người sử dụng lao động phải trả cho người lao động theo thỏa thuận. Tuy nhiên chưa kịp chi trả thì người sử dụng lao động đã chết.
Thứ sáu, tiền bồi thường thiệt hại (Khoản 6 Điều 658 Bộ luật dân sự năm 2015). Đây là khoản tiền mà người để lại di sản khi còn sống phải chi trả do có hành vi trái pháp luật xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm,…của người khác.
Thứ bảy, thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước (Khoản 7 Điều 658 Bộ luật dân sự năm 2015) là các khoản tiền mà người để lại di sản phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật, tuy nhiên người này chưa kịp nộp thì đã chết.
Thứ tám, các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân (Khoản 8 Điều 658 Bộ luật dân sự năm 2015). Đây là những khoản tiền mà người để lại di sản phải chi trả cho các cá nhân, pháp nhân thông qua việc xác lập các hợp đồng dân sự hoặc các hành vi thương mại. Tuy nhiên người này chưa thực hiện được các khoản nợ đó thì đã chết.
Thứ chín, di sản mà người chết để lại được sử dụng để thanh toán các khoản tiền phạt (Khoản 9 Điều 658 Bộ luật dân sự năm 2015). Cần lưu ý rằng tiền phạt trong trường hợp này chỉ là các khoản tiền mà người để lại di sản đáng lẽ phải nộp vào ngân sách nhà nước do các hành vi vi phạm hành chính (không bao gồm các khoản tiền phạt do người này vi phạm hợp đồng. Các khoản phạt do vi phạm hợp đồng sẽ thuộc thứ tự ưu tiên thứ tám đã phân tích nêu trên). Tuy nhiên người để lại di sản chưa kịp nộp thì đã chết.
Thứ mười, sau khi dùng di sản để thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ tài sản và các chi phí phát sinh theo chín mục nêu trên, nếu di sản vẫn còn thì sẽ được dùng để chi trả các khoản chi khác nếu có.
Vậy thanh toán di sản thừa kế thực chất là việc một người khác thay mặt và sử dụng di sản do người chết để lại để thanh toán các nghĩa vụ về tài sản của người chết và những chi phí phát sinh cho chính người chết. Tuy nhiên, các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản và các chi phí phát sinh (nếu có) chỉ được thanh toán đầy đủ khi tổng giá trị di sản do người chết để lại lớn hơn tổng số khoản nợ. Ngược lại nếu giá trị di sản do người chết để lại ít hơn so với các nghĩa vụ về tài sản, thì các khoản nợ và chi phí phát sinh này được thanh toán theo thứ tự ưu tiên do pháp luật quy định.
Bạn đang theo dõi bài viết được biên tập trên trang web của trungtamdichuc.com. Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn pháp luật từ các Luật sư, chuyên gia pháp lý vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0963.673.969 (Zalo) để được hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất.
Trân trọng./.
Ths. Bùi Quang Hưng