NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN HƯỞNG DI SẢN


Quyền thừa kế là một phạm trù pháp luật, nó chỉ xuất hiện, tồn tại trong một xã hội có nhà nước và pháp luật. Pháp luật luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự định đoạt của cá nhân đối với tài sản thuộc sở hữu của họ. Do vậy pháp luật cho phép cá nhân có quyền định đoạt tài sản của mình cho người khác trước khi chết theo di chúc hoặc để lại tại sản cho người khác thừa kế theo pháp luật. Bên cạnh quyền để lại di sản, cá nhân còn có quyền hưởng di sản. Họ có thể hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Ngoài ra họ còn có thể từ chối việc hưởng di sản đó. Tuy nhiên trong thực tế không phải lúc nào người thừa kế cũng có quyền hưởng di sản của người chết để lại. Bởi họ đã có những hành vi vi phạm nghiêm trọng đến nghĩa vụ của mình, hoặc có những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức,… xâm phạm đến danh sự, uy tín, tính mạng, sức khỏe của người để lại di sản. Những trường hợp như vậy pháp luật gọi là người không được quyền hưởng di sản. Vậy những người không được quyền hưởng di sản gồm những ai? Tại sao họ lại không được quyền hưởng di sản? Có ngoại lệ nào cho trường hợp này hay không? Bài viết này của chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc trên của bạn đọc.

Luật sư tư vấn phân chia di sản thừa kế – 0963.673.969 (Zalo).

Người không được quyền hưởng di sản

Theo quy định tại Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người không được quyền hưởng di sản bao gồm cả người thừa kế theo pháp luật và người thừa kế theo di chúc. Họ là những người đáng lẽ được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản hoặc đã được người lập di chúc cho họ hưởng nhưng những người này lại có hành vi trái pháp luật, trái đạo đức nên bị pháp luật tước đi quyền hưởng di sản.

Quy định này của pháp luật nhằm đảm bảo và nâng cao giá trị truyền thống, đạo đức đối với các cá nhân trong xã hội. Qua đó cũng có tác dụng phòng ngừa, răn đe những người có suy nghĩ về hành vi, thái độ không đúng chuẩn mực, vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội đối với người để lại di sản, những người thừa kế khác nhằm hưởng di sản.

Những trường hợp không được quyền hưởng di sản

Những người không được quyền hưởng di sản bao gồm những trường hợp sau đây:

Trường hợp thứ nhất: Người thừa kế là người không được quyền hưởng di sản khi bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó (Điểm a Khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015). Cơ sở pháp lý để tước đoạt đi quyền hưởng di sản của người thừa kế đó là phải có một bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật kết tội họ về những hành vi trái pháp luật nêu trên. Do vậy nếu như người thừa kế mặc dù có những hành vi như: xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc những hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản nhưng không bị kết án thì họ vẫn được hưởng di sản thừa kế. Hoặc họ đã bị kết án những bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì cũng chưa có căn cứ pháp lý để tước bỏ quyền được hưởng di sản thừa kế của họ. Bản án của tòa án chỉ được coi là căn cứ để tước đoạt đi quyền hưởng di sản của một người chỉ khi có hiệu lực pháp luật. Bởi lẽ theo quy định pháp luật hình sự hiện hành thì không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Cần chú ý là hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người thừa kế đối với người để lại di sản phải là một hành vi được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Ngoài ra, hành vi này của họ không cần quan tâm đến mục đích của họ có phải là trục lợi vì mục đích được hưởng di sản hay vì mục đích khác, thì họ vẫn bị tước bỏ quyền hưởng di sản.

Sự ngược đãi, hành hạ, xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người để lại di sản là những hành vi đối xử trái pháp luật và vô đạo đức thường được thể hiện thông qua hành động: chửi mắng, nhục mạ, bỏ mặc, bỏ đói,… làm cho người để lại di sản đau khổ về mặt tinh thần, danh dự bị xúc phạm, dày vò và đâu đớn về mặt thể xác. Điểm hạn chế của quy định pháp luật dân sự hiện hành là không xác định rõ ràng những hành vi nêu trên như thế nào là nghiêm trọng? Tuy nhiên chỉ cần có hành vi đó và đã bị kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật là cũng đủ điều kiện để tước bỏ quyền hưởng di sản của người thừa kế.

Trường hợp thứ hai: Người thừa kế là người không được quyền hưởng di sản khi có vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản (Điểm b Khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015). Truyền thống tốt đẹp trong mỗi gia đình của dân tộc Việt Nam chính là sự giúp đỡ về vật chất, quan tâm chăm sóc về tính thần giữa các thành viên trong gia đình. Người thừa kế bị coi là có hành vi vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng chính là những người được Luật hôn nhân và gia đình xác định có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng người để lại di sản, nhưng họ đã không thực hiện nghĩa vụ đó. Những trường hợp cá nhân có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 gồm:

+ Cha, me có nghĩa vụ nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình (Khoản 2 Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014). Trường hợp này nếu người thừa kế là cha mẹ của người để lại di sản (người chưa thành niên, hoặc đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình) mà vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng thì sẽ không được hưởng di sản. Lưu ý là quy định này áp dụng với cả cha dượng, mẹ kế đối với con của bên kia cùng sống chung với mình (Khoản 1 Điều 79 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).

+ Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ (Khoản 2 Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014). Do vậy nếu như người thừa kế là con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng cha, mẹ nêu trên thì không được hưởng di sản do cha, mẹ để lại.

+ Anh, chị, em có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện nuôi dưỡng con (Điều 105 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014). Do vậy nếu người thừa kế là anh chị em đối với người để lại di sản nhưng họ đã vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng nêu trên thì họ không được hưởng di sản.

+ Ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có anh, chị, em nuôi dưỡng (Khoản 1 Điều 104 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014). Do đó, nếu người để lại di sản là cháu thuộc vào trường hợp nêu trên mà ông bà nội, ông bà ngoại là người thừa kế nhưng đã không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng thì họ không có quyền hưởng di sản của cháu.

+  Cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng trong trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình (Khoản 2 Điều 104 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014). Ngược lại với trường hợp nêu trên, nếu cháu là người thừa kế nhưng đã vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng với ông bà nội, ông bà ngoại (người để lại di sản) của mình thì sẽ bị tước bỏ quyền được hưởng di sản.

Trường hợp thứ ba: Người thừa kế là người không được quyền hưởng di sản khi bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng (Điểm c Khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015). Tương tự như trường hợp đầu tiên, người thừa kế trong trường hợp này chỉ bị tước bỏ quyền hưởng di sản trong trường hợp họ có hành vi nêu trên thực hiện với lỗi cố ý và có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên khác với trường hợp đầu tiên, người thừa kế thực hiện hành vi trái pháp luật bất luận với mục đích gì đều bị tước bỏ quyền hưởng thừa kế, thì trường hợp này điều kiện thứ ba để họ bị tước bỏ quyền hưởng thừa kế chính là mục đích của họ khi thực hiện hành vi trái pháp luật, phải nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng. Do vậy, nếu như người thừa kế thực hiện hành vi nêu trên với lỗi cố ý, đã bị kết tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật nhưng lại nhằm mục đích khác với mục đích đã nêu trong điều luật thì họ cũng sẽ không bị tước bỏ quyền hưởng di sản thừa kế.

Trường hợp thứ tư: Người thừa kế là người không được quyền hưởng di sản khi có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản (Điểm d Khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015). Đối với trường hơp thứ tư này chúng tôi có thể phân tích các hành vi nêu trên của người thừa kế như sau: Hành vi lừa dối người để lại di sản trong trường hợp này chính là việc cung cấp thông tin sai sự thật làm cho người để lại di sản tin vào thông tin đó và lập một di chúc trái với ý chí đích thực của mình. Hành vi cưỡng ép người để lại di sản trong việc lập di chúc chính là hành vi tác động đến tâm lý, tinh thần của người để lại si sản trái với ý nguyện đích thực của họ. Tiếp theo hành vi giả mạo di chúc là việc xác lập một bản di chúc giả cả nội dung lẫn hình thức nhằm làm cho người khác tin rằng đó là di chúc cho người chết để lại. Giả mạo di chúc nhằm hướng tới sự có lợi cho một hoặc một số người nhất định trong việc hưởng di sản mà việc hưởng lợi này hoàn toàn trái với ý chí của người đã chết. Hành vi sửa chữa di chúc là việc thay đổi một phần hoặc toàn bộ nội dung di chúc mà người để lại di sản đã lập nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản. Hành vi cuối cùng là hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản. Hành vi này thông thường chỉ xuất hiện trong trường hợp người có hành vi nêu trên là người được thừa kế theo pháp luật nhưng theo nội dung di chúc do người để lại di sản đã lập lại không có tên của họ hoặc có nhưng phần di sản họ nhận ít hơn so với phần di sản mà họ được nhận nếu được chia theo pháp luật. Do đó, họ thực hiện hành vi hủy di chúc hoặc che giấu di chúc để di sản được chia theo pháp luật. Các hành vi nêu trên đều là những hành vi xâm phạm đến ý chí đích thực của người lập di chúc và xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người thừa kế khác. Vì vậy họ thuộc vào trường hợp người không được quyền hưởng di sản theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành.

Ngoại lệ đối với trường hợp không được quyền hưởng di sản

Khi những người thừa kế thuộc vào trường hợp người không được quyền hưởng di sản như đã phân tích nêu trên thông thường họ sẽ bị tước bỏ quyền hưởng di sản của mình. Tuy nhiên, khi xác định việc tước bỏ quyền này của họ trong các trường hợp nói trên cần phải tôn trọng quyền định đoạt của người lập di chúc. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015 thì những người thừa kế nói trên vẫn được hưởng di sản nếu người để lại di sản đã biết hành vi của người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc. Đây chính là ngoại lệ đối với trường hợp người không được quyền hưởng di sản. Tuy nhiên cần chú ý đến thời điểm lập di chúc với thời điểm những người thừa kế có hành vi trái pháp luật nêu trên để xác định xem người thừa kế đó có bị tước bỏ quyền hưởng di sản hay không.

Bạn đang theo dõi bài viết được biên tập trên trang web của trungtamdichuc.com. Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn pháp luật từ các Luật sư, chuyên gia pháp lý vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0963.673.969 (Zalo) để được hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất.

Trân trọng./.

Ths. Bùi Quang Hưng

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *