DI CHÚC CÓ CHỨNG THỰC


Trong xã hội hiện nay, khi số lượng và giá trị tài sản của cá nhân tạo ra ngày càng đa dạng, phong phú thì vấn đề thừa kế ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Theo đó, pháp luật ghi nhận và bảo vệ quyền lập di chúc của cá nhân để định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Một trong những hình thức di chúc được ghi nhận trong Bộ luật dân sự hiện hành là di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế, đất đai – 0963.673.969 (Zalo)

Ưu điểm

– Thứ nhất, người lập di chúc không cần thiết phải tự viết hoặc tự đánh máy trước nội dung di chúc của mình. Mà họ chỉ cần tới Ủy ban nhân dân cấp xã để tuyên bố nội dung di chúc của mình, sau đó người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ phải ghi chép lại nội dung di chúc theo đúng ý chí của người lập di chúc, và cuối cùng thực hiện việc chứng thực. Đây là một ưu điểm của di chúc bằng loại này bởi lẽ người lập di chúc có thể là bất cứ ai, do vậy chữ viết của họ có thể không được dễ nhìn, trình bày không mạch lạc, rõ ràng hoặc họ cũng không biết sử dụng máy tính để soạn thảo sẵn di chúc.

Thứ hai, hình thức di chúc bằng văn bản có chứng thực này có giá trị pháp lý cao hơn so với di chúc bằng văn bản tự viết tay và di chúc bằng văn bản có người làm chứng. Lý do là bởi vì di chúc bằng văn bản có chứng thực được lập tại Ủy ban nhân dân cấp xã và người thực hiện việc chứng thực là người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Hiện nay theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch thì người có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực di chúc là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên thì hình thức di chúc này vẫn còn tồn tại một số những hạn chế trong thực tiễn.

– Đầu tiên đó là người có thẩm quyền chứng thực di chúc theo quy định của pháp luật hiện hành là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Do vậỵ việc thực hiện chứng thực di chúc chỉ là một phần nhỏ trong số những nhiệm vụ và trách nhiệm công việc của họ phải làm. Do vậy dẫn tới, nhiều trường hợp người dân có nhu cầu lập di chúc nhưng Chủ tịch và cả các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã lại bận các công việc khác. Vì vậy nên có thể nhu cầu lập di chúc của cá nhân không thể đảm bảo được đáp ứng ngay, kịp thời.

– Thêm nữa, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã mặc dù là những người có thẩm quyền, có năng lực trình độ, tuy nhiên họ không phải là những người chuyên sâu về lĩnh vực thừa kế mà cụ thể trong trường hợp này là di chúc. Do đó vấn đề hỗ trợ người lập di chúc về vấn pháp lý có thể không kỹ càng. Thực tế cũng không hiếm gặp nhiều trường hợp mặc dù di chúc của người để lại di sản có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã, tuy nhiên lại không có hiệu lực bởi lẽ nó không phù hợp với quy định của pháp luật về hình thức, nội dung.

– Ngoài ra, một hạn chế nữa của di chúc bằng văn bản có chứng thực đó là người lập di chúc phải mất một khoản chi phí phát sinh cho việc lập di chúc của mình.

Những quy định của pháp luật hiện hành để di chúc bằng văn bản có chứng thực được coi là hợp pháp.

– Thứ nhất, người để lại di sản phải là người đã thành niên hoặc người đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc (Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2015). Thêm nữa pháp luật còn đòi hỏi người lập di chúc phải lập di chúc trong trạng thái tinh thần minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (Điểm a Khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015). Quy định này nhằm đảm bảo yêu cầu về ý chí tự nguyện, đích thực của bản thân người lập di chúc.

Thứ hai về hình thức và thủ tục lập di chúc. Di chúc bằng văn bản có chứng thực phải được lập thành văn bản. Về thủ tục lập di chúc thì người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc (Khoản 1 Điều 636 Bộ luật dân sự năm 2015).

– Thứ ba về nội dung của di chúc bằng văn bản có chứng thực. Mặc dù di chúc thể hiện ý chí của cá nhân về việc định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Nhưng không phải bất cứ nội dung gì mà cá nhân muốn cũng có thể đưa vào di chúc, cũng được coi là hợp pháp mà phải có các nội dung cơ bản sau: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản. Ngoài ra, di chúc còn có thể có thêm các nội dung khác tùy vào cá nhân mỗi người lập di chúc khác nhau. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc (Điều 631 Bộ luật dân sự năm 2015). Thêm vào đó, nội dung của di chúc phải không được vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội (Điểm b Khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015).

– Thứ tư là yêu cầu của pháp luật về người thực hiện việc chứng thực di chúc. Theo quy định tại 637 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: Người có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã không được chứng thực đối với di chúc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật; Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc. Quy định này nhằm bảo đảm tính khách quan, vô tư của người thực hiện việc chứng thực di chúc, tránh các trường hợp người thực hiện chứng thực là một trong những người có liên quan đến việc thừa kế sau này hoặc là người thân thích của những người được hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Nếu họ là một trong những đối tượng kể trên thì rất có thể người lập di chúc không thể thể hiện toàn bộ ý chí đích thực của mình, cũng như nội dung di chúc có thể không được bảo mật.

Như vậy có thể thấy di chúc bằng văn bản có chứng thực là một trong những hình thức di chúc được pháp luật công nhận và bảo đảm khi nó đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nội dung và hình thức luật định. Tuy nhiên đây không được xem là một hình thức di chúc tối ưu cho người sử dụng, vì nó còn tồn tại khá nhiều những hạn chế trong thực tiễn.

Bạn đang theo dõi bài viết được biên tập trên trang web của trungtamdichuc.com. Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn pháp luật từ các Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0963.673.969 (Zalo) để được hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất. 

Trân trọng./.

Th.sỹ Bùi Quang Hưng

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *