HỦY BỎ DI CHÚC


Hủy bỏ di chúc là gì?

Theo quy định pháp luật hiện hành mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Quyền định đoạt này được cá nhân thể hiện dưới dạng di chúc. Tuy nhiên, trong cuộc sống của mỗi người không phải lúc nào cũng êm đềm mà sẽ có những biến cố, những thay đổi dẫn đến việc họ suy nghĩ lại và nhận thấy quyết định về vấn đề định đoạt tài sản trong di chúc đã lập của mình không còn phù hợp, không đúng với mong muốn hiện tại của bản thân. Pháp luật đã dự trù được tình huống này xảy ra, điều này cũng không có gì khó hiểu bởi cá nhân có quyền lập di chúc thì họ cũng quyền thay đổi ý định này trước khi chết. Do vậy pháp luật cho phép người để lại di sản có thể hủy bỏ di chúc đã lập của mình.

Hủy bỏ được hiểu là việc bỏ đi, không coi là còn giá trị. Do đó hủy bỏ di chúc chính là việc người để lại di sản bỏ đi di chúc đã lập, nội dung đã định đoạt trong di chúc không phát sinh hiệu lực trên thực tế khi người để lại di sản chết.

Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế, đất đai – 0963.673.969 (Zalo)

Di chúc bị hủy bỏ trong những trường hợp nào?

Theo Khoản 1 Điều 640 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người lập di chúc có thể hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào. Điều này có nghĩa rằng sau khi lập di chúc, người lập di chúc có quyền hủy bỏ di chúc bất cứ lúc nào họ cảm thấy cần thiết mà không bị giới hạn về mặt thời gian. Hiện nay, có ba trường hợp di chúc bị xem như là đã hủy bỏ, đó là: Thứ nhất là người để lại di sản lập di chúc mới; Thứ hai là tại thời điểm mở thừa kế tài sản được định đoạt trong di chúc không còn nữa; Thứ ba là hủy bỏ di chúc đã lập mà không lập di chúc mới. Chi tiết từng trường hợp như sau:

  • Thứ nhất, theo quy định tại khoản 3 Điều 640 Bộ luật dân sự năm 2015 thì trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước đó bị hủy bỏ. Như vậy có thể thấy cách hủy bỏ đầu tiên đối với di chúc là người lập di chúc có thể lập một bản di chúc mới thay thế cho di chúc mà mình muốn hủy bỏ, lúc này di chúc mới lập sẽ có hiệu lực phát sinh sau này khi người để lại di sản chết thay cho bản di chúc trước đó. Khi di chúc bị hủy bỏ bởi di chúc mới thì người được hưởng di sản trong di chúc bị hủy bỏ không được hưởng tài sản đã được định đoạt và nếu di chúc mới có giá trị hiệu lực pháp lý thì người có tên trong di chúc mới sẽ được hưởng di sản theo ý chí của người lập di chúc. Đây chính là trường hợp một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì bản di chúc sau cùng có hiệu lực (Khoản 5 Điều 643 Bộ luật dân sự năm 2015). Vấn đề đặt ra là bản di chúc mới lập thay thế cho bản di chúc cũ trước đó có phải tuân thủ theo đúng hình thức của bản di chúc cũ đã lập hay không? Ví dụ như di chúc trước đó đã lập có người làm chứng thì di chúc mới được lập có bắt buộc phải có người làm chứng hay không? Câu trả lời cho trường hợp này là không, bởi pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về vấn đề này. Do vậy việc lập di chúc mới để thay thế cho bản di chúc cũ chỉ cần tuân thủ đúng quy định về việc lập di chúc và về hình thức thì có thể là tùy ý người lập di chúc lựa chọn, có thể là di chúc miệng, di chúc bằng văn bản tự viết tay, di chúc có người làm chứng, di chúc có công chứng, chứng thực.
  • Thứ hai, người lập di chúc thực hiện một giao dịch khác di chúc để hủy bỏ di chúc đã lập. Trong trường hợp người lập di chúc định đoạt tài sản trong di chúc bằng hành vi khác như mua bán, chuyển nhượng, tặng cho thì kết quả của bản di chúc đã lập cũng giống như đã bị hủy bỏ. Tức là không phát sinh hiệu lực trên thực tế khi người để lại di sản chết. Bởi lẽ, di chúc chỉ phát sinh hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế – tức là khi người để lại di sản chết (Khoản 1 Điều 643 Bộ luật dân sự). Do đó nên di chúc đã được lập nhưng người để lại di sản vẫn còn sống thì di chúc chưa có hiệu lực. Người có tài sản vẫn có quyền định đoạt tài sản của mình thông qua các giao dịch dân sự thường ngày. Vì vậy nếu người có tài đã định đoạt tài sản của mình bằng một giao dịch khác trước khi chết như: bán, tặng cho, chuyển nhượng,… thì đương nhiên quyền sở hữu tài sản đó của họ đã được chuyển giao cho người khác bằng một giao dịch hợp pháp. Dẫn đến việc di chúc đã lập sẽ không có hiệu lực sau khi người để lại di sản chết do tại thời điểm mở thừa kế tài sản được định đoạt trong di chúc đã không còn (không còn thuộc sở hữu của người lập di chúc) (theo quy định tại Khoản 3 Điều 643 Bộ luật dân sự năm 2015). Tất nhiên, trường hợp này áp dụng đối với di chúc đã được lập chỉ định đoạt một tài sản, còn nếu trong di chúc có nội dung định đoạt nhiều tài sản khác nhau thì chỉ có nội dung định đoạt tài sản đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác mới bị hủy bỏ, còn những nội dung khác vẫn có giá trị hiệu lực (Khoản 3 Điều 643 Bộ luật dân sự năm 2015).
  •  Thứ ba, để hủy bỏ di chúc đã được lập người lập di chúc có thể hủy bỏ một cách minh thị. Tức là họ sẽ công bố rõ ràng rằng mình hủy bỏ toàn bộ nội dung di chúc đã lập. Việc công bố này có thể thể hiện thông qua việc lập một tờ đơn xin hủy bỏ di chúc đã lập, hoặc cũng có thể là một văn bản hủy bỏ di chúc. Cách hủy bỏ di chúc bằng việc lập văn bản hủy bỏ được pháp luật quy định khá rõ đối với di chúc được lập có công chứng. Cụ thể theo Khoản 3 Điều 56 Luật công chứng năm 2014 thì: Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc hủy bỏ đó. Cần lưu ý trường hợp hủy bỏ di chúc có công chứng bằng văn bản hủy khác so với việc hủy bỏ di chúc bằng việc lập một di chúc mới. Tức là nếu họ lập một di chúc mới thì không cần quan tâm về hình thức di chúc cũ đã lập (thể hiện sự tôn trọng của pháp luật về sự linh hoạt của ý chí người lập di chúc); Còn đối với trường hợp hủy bỏ di chúc được công chứng bằng một văn bản hủy thì bắt buộc người lập di chúc phải lập một văn bản hủy có công chứng mà không thể tự mình lập văn bản hay nhờ người khác làm chứng về việc hủy bỏ di chúc đã lập.

Tóm lại, lập di chúc là quyền và việc hủy bỏ di chúc cũng là quyền của cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ. Một bản di chúc đã được lập trên thực tế có thể bị hủy bỏ khi người lập di chúc đưa ra một tuyên bố rõ ràng rằng hủy bỏ đi di chúc đã lập; Hoặc cũng có thể không đưa ra một tuyên bố rõ ràng nhưng lại lập một bản di chúc mới thay thế cho di chúc đã lập; Hoặc cũng có thể là định đoạt tài sản của mình có trong nội dung di chúc bằng một giao dịch khác như: tặng cho, chuyển nhượng, mua bán.v.v.. cho người khác. Trên đây là một số những phân tích về vấn đề hủy bỏ di chúc, trong giới hạn bài viết tác giả chỉ có thể nêu lên một số điểm cơ bản về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần sự hỗ trợ hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua website: trungtamdichuc.com; Hotline: 0963.673.969 (Zalo) để được các Luật sư, chuyên gia pháp lý giỏi giải đáp, hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất. 

Trân trọng./.

Ths. Bùi Quang Hưng

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *