CÔNG BỐ DI CHÚC


Công bố di chúc là gì?

Theo quy định pháp luật hiện hành thì di chúc được hiểu là sự thể hiện ý chí cá nhân nhằm định đoạt tài sản của mình sau chết. Do vậy khi người lập di chúc chết thì hầu hết những người thuộc diện thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật đều rất quan tâm đến nội dung của di chúc. Để biết được ai là người được hưởng di sản theo di chúc? Nếu được hưởng thì hưởng bao nhiêu phần? Gồm những gì? Những người không được hưởng theo di chúc là những ai? Di sản của người lập di chúc đã được định đoạt hết hay chưa? Có còn di sản nào thuộc trường hợp phải chia theo pháp luật hay không?.v.v.. Như vậy có thể thấy vấn đề nội dung của di chúc sau khi người để lại di sản chết rất được quan tâm và chú ý. Vì vậy nên pháp luật đã có quy định về việc công bố di chúc tại Điều 647 Bộ luật dân sự năm 2015.

Công bố được hiểu là việc công khai cho mọi người cùng biết về một vấn đề nào đó bằng cách đưa ra những thông tin đầy đủ, liên quan trực tiếp đến vấn đề đó. Do vậy, mặc dù hiện nay pháp luật hiện hành không quy định cụ thể công bố di chúc là gì. Tuy nhiên, có thể hiểu công bố di chúc là việc công khai cho mọi người cùng biết một cách đầy đủ, chính xác về nội dung của di chúc do người để lại di sản đã lập.

Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế, đất đai – 0963.673.969 (Zalo)

Người có nghĩa vụ công bố di chúc

Thứ nhất, theo quy định pháp luật hiện hành đối với trường hợp người lập di chúc bằng văn bản có công chứng. Họ có quyền yêu cầu tổ chúc hành nghề công chứng nhận lưu giữ di chúc của mình. Khi nhận lưu giữ di chúc, công chứng viên phải niêm phong bản di chúc trước mặt người lập di chúc, ghi giấy nhận lưu giữ và giao cho người lập di chúc (Khoản 1 Điều 60 Luật công chứng năm 2014). Sau khi người lập di chúc chết, công chứng viên của tổ chúc hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc có trách nhiệm công bố nội dung di chúc (Khoản 1 Điều 647 Bộ luật dân sự năm 2015). Do pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể công chứng viên công bố nội dung của di chúc cụ thể là công chứng viên nào? Tức là không quy định rõ  người thực hiện công bố nội dung di chúc là công chứng viên đã thực hiện việc niêm phong di chúc? Hay công chứng viên là người đại diện theo pháp luật của tổ chức hành nghề công chứng (Trưởng Phòng hoặc Trưởng Văn phòng công chứng)? Hay công chứng viên hợp danh khác cũng có thể đảm nhận việc này. Do vậy nên, người công bố di chúc có thể là bất kỳ công chứng viên nào đang hành nghề tại tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc lưu giữ di chúc thực hiện.

Ngoài ra, đối với trường hợp di chúc đã được tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ nhưng sau đó tổ chức này chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì trước khi chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể, tổ chức hành nghề công chứng phải thỏa thuận với người lập di chúc về việc chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ di chúc. Trường hợp không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì di chúc và phí lưu giữ di chúc phải được trả lại cho người lập di chúc (Khoản 2 Điều 60 Luật công chứng năm 2014).

Thứ hai, trường hợp người lập di chúc không có nhu cầu gửi giữ di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng thì họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác lưu giữ di chúc. Với trường hợp này xuất hiện hai khả năng. Khả năng đầu tiên, đó là người để lại di sản chỉ định rõ ràng ai sẽ là người thực hiện việc công bố trong nội dung di chúc. Người được chỉ định có nghĩa vụ công bố di chúc. Tuy nhiên người này cũng có quyền từ chối việc công bố nội dung di chúc. Trường hợp họ từ chối việc công bố nội dung di chúc thì những người thừa kế còn lại thỏa thuận cử người khác công bố nội dung của di chúc (Khoản 2 Điều 647 Bộ luật dân sự năm 2015). Khả năng thứ hai đối với trường hợp người lập di chúc không có yêu cầu gửi giữ di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng đó là: trong nội dung của di chúc không chỉ định người có trách nhiệm công bố nội dung của di chúc. Với trường hợp này, pháp luật hiện hành quy định những người thừa kế tự thỏa thuận cử người công bố nội dung của di chúc (Khoản 2 Điều 647 Bộ luật dân sự năm 2015).

Điều kiện của người công bố và thời điểm công bố di chúc

Bộ luật dân sự hiện hành không có quy định cụ thể yêu cầu đối với người thực hiện việc công bố di chúc. Pháp luật chỉ quy định người thực hiện việc công bố đối với trường hợp di chúc được lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc di chúc do người lập tự lưu giữ hoặc nhờ người khác giữ. Do vậy nên người công bố di chúc có thể là bất cứ ai, miễn là thỏa mãn hai trường hợp cụ thể sau: Trường hợp thứ nhất là di chúc lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng thì người công bố là công chứng viên; Trường hợp thứ hai là do người được chỉ định trong di chúc, nếu người được chỉ định từ chối hoặc trong di chúc không chỉ định thì những người thừa kế tự thỏa thuận cử người công bố.

Về thời điểm thực hiện việc công bố di chúc theo quy định tại Khoản 3 Điều 647 Bộ luật dân sự năm 2015 đó là sau thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết (Khoản 1 Điều 611 Bộ luật dân sự năm 2015). Khi đó nếu di chúc hợp pháp sẽ phát sinh hiệu lực. Do vậy cần tiến hành việc công bố nội dung di chúc để những người thừa kế biết, tiến hành các thủ tục khai nhận di sản và thực hiện theo ý chí của người chết để lại. Tất nhiên người thừa kế có thể từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác (Khoản 1 Điều 620 Bộ luật dân sự năm 2015).

Trình tự công bố di chúc

Sau thời điểm mở thừa kế, di chúc hợp pháp phát sinh hiệu lực trong thực tế, người đang thực hiện việc lưu giữ di chúc phải tiến hành giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của ít nhất hai người làm chứng (Điểm c Khoản 3 Điều 641 Bộ luật dân sự năm 2015).

 Người công bố di chúc phải sao gửi di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc, để những người này biết về nội dung của di chúc. Những người nhận được bản sao di chúc có quyền yêu cầu đối chiếu với bản gốc của di chúc. Đặc biệt, đối với trường hợp di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài thì bản di chúc đó phải được dịch ra tiếng Việt và phải có công chứng hoặc chứng thực (Khoản 3, 4, 5 Điều 647 Bộ luật dân sự năm 2015).

Tóm lại, sau khi người lập di chúc chết, di chúc phát sinh hiệu lực trong thực tế. Việc biết rõ ràng, đầy đủ nội dung của di chúc là một nhu cầu cơ bản của những những người có liên quan. Người giúp họ biết được nội dung này chính là người công bố di chúc. Nếu di chúc đang được gửi giữ tại tổ chức hành nghề công chứng thì người công bố sẽ là công chứng viên. Nếu di chúc do người khác giữ thì người công bố là người được người lập di chúc chỉ định, trường hợp họ từ chối hoặc di chúc không chỉ định thì những người thừa kế thỏa thuận và cử người công bố.

Bạn đang theo dõi bài viết được biên tập trên trang web của trungtamdichuc.com. Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn pháp luật từ các Luật sư, chuyên gia pháp lý vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0963.673.969 (Zalo) để được hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất. 

Trân trọng./.

THS. Bùi Quang Hưng

5/5 (2 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *