GIẢI THÍCH NỘI DUNG DI CHÚC


Giải thích nội dung di chúc là gì?

Như chúng ta đã biết di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Mặc dù vậy nhưng không phải lúc nào ý chí đích thực đó cũng được thể hiện trên văn bản một cách trùng khớp với nhau. Trong thực tế có rất nhiều trường hợp giữa ý chí đích thực và sự biểu hiện đó ra bên ngoài thành văn bản bị chênh lệch rất nhiều. Lý do là bởi vì: Thứ nhất là do cách diễn đạt câu, từ có thể chưa chính xác giữa cách nói và cách viết; Thứ hai là chính bản thân người lập di chúc đã chết, mà di chúc lại được những người còn sống (người thừa kế) thực hiện. Trong khi đó không phải lúc nào người thừa kế cũng giải thích nội dung của di chúc đúng với ý chí đích thực của người chết. Bởi mục đích của họ có thể không phải là tôn trọng ý chí đích thực của người lập di chúc mà vì lợi ích riêng của chính bản thân mình. Do đó, xuất hiện một nhu cầu cơ bản là giải thích nội dung của di chúc nhằm bảo đảm sự tôn trọng ý chí đích thực của người lập di chúc. Giúp di chúc được thực hiện trong thực tế đúng nguyện vọng của người chết. Tóm lại có thể hiểu giải thích nội dung di chúc là việc tìm ra ý chí đích thực của người lập di chúc.

Luật sư tư vấn phân chia di sản thừa kế – 0963.673.969 (Zalo).

Trường hợp nào cần giải thích nội dung di chúc

Theo quy định tại Điều 648 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: Trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì những người thừa kế theo di chúc phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc.

Rõ ràng được hiểu là rất rõ, rất tường tận, cụ thể, rõ đến mức ai cũng có thể hiểu, có thể nhận biết một cách dễ dàng. Do đó, không rõ ràng được hiểu là không cụ thể, khó hiểu, phức tạp, mỗi cách hiểu lại cho một kết quả khác nhau. Theo quy định pháp luật hiện hành thì di chúc cần phải được giải thích trong trường hợp nội dung của di chúc không rõ ràng có nhiều cách hiểu khác nhau. Nếu nội dung của di chúc không được làm rõ, tìm ra được một cách hiểu chung, thống nhất thì những người thừa kế sẽ không thể cùng thực hiện được (vì mỗi người một ý kiến). Thêm vào đó, việc tìm ra nội dung của di chúc cũng là làm rõ ý chí đích thực của người chết, qua đó thể hiện sự tôn trọng đối với nguyện vọng của họ.

Giải thích nội dung di chúc

Chủ thể được pháp luật quy định cho phép có quyền giải thích nội dung di chúc đầu tiên đó là những người thừa kế (Điều 648 Bộ luật dân sự năm 2015). Tại sao pháp luật lại quy định như vậy? Lý do là bởi vì những người thừa kế chính là những người sẽ thực hiện theo cách giải thích nội dung di chúc đó. Ngoài ra, họ còn là những người có mối quan hệ gần gũi, thân thiết đối với người lập di chúc. Do vậy họ có thể biết, hiểu được người lập di chúc. Từ đó tìm ra được nguyện vọng mà người chết để lại một cách dễ dàng hơn so với những người khác. Mặc dù vậy, nhưng quy định pháp luật hiện hành vẫn có bất cập trong trường hợp này. Bởi, luật chỉ quy định những người thừa kế phải cùng nhau giải thích, do đó vấn đề đặt ra là những người thừa kế ở đây gồm những ai? Họ bao gồm cả những người thừa kế theo pháp và theo di chúc? Hay chỉ gồm những người được thừa kế theo nội dung di chúc? Bên cạnh đó, pháp luật cũng không có quy định về điều kiện của chủ thể giải thích nội dung của di chúc. Do đó chủ thể giải thích di chúc có thể là bất cứ ai miễn là người thừa kế. Vì vậy trường hợp đặt ra trong thực tế đó là có những người thừa kế có thể chỉ là những đứa trẻ mới lọt lòng mẹ, người chưa thành niên hạn chế về năng lực hành vi dân sự, hiểu biết kiến thức xã hội và đời sống còn kém. Như vậy, liệu họ có đủ tư cách và trình độ để giải thích nội dung di chúc hay không?

Mặt khác, luật quy định những những người thừa kế phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc. Nhưng trên thực tế không phải lúc nào những người thừa kế này cũng cùng nhau thống nhất một cách giải thích cụ thể. Bởi vì, mỗi người thừa kế sẽ có một cách hiểu khác nhau. Thêm nữa, có nhiều trường hợp cách giải thích của họ không phải vì tôn trọng ý chí đích thực của người lập di chúc. Mà đơn giản là họ muốn bảo đảm quyền lợi cho chính bản thân mình. Vì mục đích họ mong muốn chỉ là vì di sản của người chết để lại. Do đó, trong trường hợp những người thừa kế không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 648 Bộ luật dân sự năm 2015). Trước sự bất đồng quan điểm của những người có liên quan thì việc pháp luật trao quyền cho Tòa án là chủ thể giải thích nội dung của di chúc là thuyết phục hơn cả. Đây là chủ thể có kiến thức, kinh nghiệm giải thích dân sự. Thêm nữa việc giải thích của họ dễ được chấp nhận hơn so với việc giải thích của các chủ thể khác. Việc giải thích của Tòa án thông qua các thẩm phán, do vậy nên tính khách quan của họ vẫn cao hơn so với các chủ thể khác. Vì vậy việc trao quyền giải thích cho họ là thuyết phục hơn cả.

Về cách thức giải thích nội dung di chúc, mặc dù pháp luật trao quyền giải thích cho hai chủ thể là những người thừa kế và Tòa án. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà những chủ thể này có thể giải thích nội dung của di chúc một cách tủy tiện. Do đó, pháp luật quy định việc giải thích phải dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Bởi pháp luật muốn tìm ra nguyện vọng đích thực của người lập di chúc. Do vậy, phải xét đến cả quá trình khi người lập di chúc còn sống, những biểu hiện bằng hành vi, lời nói và mối quan hệ giữa họ với những người thừa kế. Từ đó mới có cái nhìn toàn diện, tổng thể, khách quan và dẽ dàng đưa ra được cách hiểu cụ thể, sát với ý chí của người để lại di sản nhất.

Thực tiễn có rất nhiều trường hợp nội dung di chúc không thể giải thích hết được vì rất nhiều các lý do khác nhau. Do đó trong trường hơp có một phần nội dung di chúc không giải thích được. Nhưng phần đó không ảnh hưởng đến các phần còn lại của bản di chúc thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực pháp luật (ĐIều 648 Bộ luật dân sự năm 2015). Hậu quả pháp lý đối với phần di sản có liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực pháp luật này sẽ được áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật (Điểm b Khoản 2 Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015).

Tóm lại, di chúc là hành vi pháp lý thể hiện ý chí của cá nhân của người để lại di sản trước khi chết. Trong thực tiễn không phải lúc nào ý chí đích thực và sự thể hiện nó ra bên ngoài cũng trùng khớp với nhau vì rất nhiều lý do. Để bảo đảm ý chí của người chết được tôn trọng và được thực hiện trong thực tế, thì việc giải thích nội dung di chúc là một việc làm cần thiết. Qua đó giúp cho những người thừa kế hiểu, thống nhất thực hiện được ý chí của người chết. Pháp luật hiện nay quy định chủ thể đầu tiên có quyền giải thích di chúc đó là những người thừa kế, trường hợp họ không thống nhất về cách hiểu của nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Bạn đang theo dõi bài viết được biên tập trên trang web của trungtamdichuc.com. Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn pháp luật từ các Luật sư, chuyên gia pháp lý vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0963.673.969 (Zalo) để được hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất. 

Trân trọng./.

Ths. Bùi Quang Hưng

 

2.6/5 (5 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *