DI SẢN DÙNG ĐỂ THỜ CÚNG


Di sản dùng vào việc thờ cúng là gì?

Một trong những phong tục, nếp sống văn hóa lâu đời của nhân dân ta đó là thờ cúng tổ tiên. Đây là một tập tục tốt đẹp được truyền từ đời này sang đời khác, thể hiện lòng tôn kính, biết ơn đối với ông, bà, tổ tiên – những người đã mất. Qua đó giáo dục con cháu lòng kính trọng và nhớ công ơn của những người đi trước. Vì di chúc là sự thể hiện ý chí cá nhân về việc định đoạt tài sản của mình sau khi chết, và xuất phát từ chính nhu cầu bản thân của cá nhân muốn thể hiện lòng biết ơn tổ tiên cũng như mong muốn việc thờ cùng tổ tiên được đảm bảo chu toàn. Nên không ít người đã định đoạt tài sản của mình cho người thân dùng vào việc thờ cúng sau khi chết. Hiện nay theo quy định pháp luật loại tài sản này được gọi là di sản dùng để thờ cúng và chỉ xuất hiện trong trường hợp thừa kế theo di chúc.

Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế, đất đai – 0963.673.969 (Zalo)

Một số vấn đề về di sản dùng vào việc thờ cúng

Một số vấn đề về di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định pháp luật hiện hành gồm:

Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 1 Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Như vậy có thể thấy, chỉ khi nào người để lại di sản có định đoạt mục đích sử dụng tài sản này trong di chúc để thờ cúng thì mới xuất hiện loại di sản này. Hay nói cách khác, căn cứ đầu tiên để hình thành nên di sản dùng vào việc thờ cúng đó là theo ý chí người để lại di sản trong di chúc.

Thứ hai, mặc dù cá nhân được quyền định đoạt tài sản của mình dùng vào việc thờ cúng sau khi chết, tuy nhiên việc định đoạt này không hoàn toàn tự do. Cụ thể quy định pháp luật hiện hành chỉ cho phép cá nhân được định đoạt một phần tài sản của mình dùng vào việc thờ cúng (Khoản 1 Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2015). Quy định này nhằm bảo đảm quyền lợi của các chủ nợ và những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Tuy nhiên pháp luật hiện hành cũng không có quy định cụ thể giới hạn một phần di sản ở đây là bao nhiêu trong tổng số di sản của người lập di chúc.

Thứ ba, việc định đoạt tài sản dùng vào việc thờ cúng bị giới hạn để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Như vậy theo quy định nêu trên thì trường hợp người lập di chúc mặc dù đã thể hiện ý chí dành một phần tài sản của mình vào việc thờ cúng, nhưng pháp luật cũng sẽ không công nhận nếu phần tài sản còn lại của họ không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản mà họ để lại sau khi chết. Do đó, trong trường hợp người có di sản có lập di chúc thể hiện ý chí để một phần tài sản dùng vào việc thờ cúng, thì chủ nợ có quyền yêu cầu hủy bỏ việc này và xử lý tài sản để thanh toán khoản nợ.

Thứ tư, để bảo vệ tình cảm cho mối quan hệ gia đình giữa những người có quan hệ gắn bó gần gũi nhất đối với người lập di sản (ví dụ như quan hệ hôn nhân: vợ/chồng; quan hệ huyết thống: con chưa thành niên,….). Pháp luật đã có quy định bảo vệ quyền lợi của những người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015). Chính quy định này đã giới hạn quyền định đoạt tài sản của người lập di chúc dùng vào mục đích thờ cúng. Theo đó, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động. Vì vậy nên trong trường hợp người lập di chúc không cho hoặc cho những người thuộc đối tượng nêu trên hưởng di sản ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, thì phần di sản được định đoạt vào việc thờ cúng, sẽ là phần còn lại sau khi đã trừ đi các nghĩa vụ phải thanh toán và phần di sản phải chia cho những đối tượng nêu trên.

Thứ năm, di sản dùng vào việc thờ cúng không thuộc sở hữu của riêng ai. Mặc dù nó là tài sản tuy nhiên nó có đặc thù riêng đó là di sản chỉ dùng vào mục đích duy nhất là thờ cúng và nó không thuộc sở hữu của bất kỳ người thừa kế nào. Việc quản lý di sản này sẽ do người được chỉ định trong di chúc thực hiện. Nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng (Khoản 1 Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2015).

Thứ sáu, di sản được thể hiện trong nội dung di chúc dùng vào mục đích thờ cúng không được chia và không được chuyển dịch. Đây là một đặc điểm thể hiện sự khác biệt giữa di sản được dùng vào việc thờ cúng với những di sản khác. Đó là với những loại di sản thông thường thì người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia, còn đối với di sản dùng vào mục đích thờ cúng thì không (Khoản 1 Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2015). Đây cũng chính là một giới hạn đối với việc định đoạt di sản dùng vào mục đích thờ cúng. Thêm vào đó, ngay từ chính mục đích của việc để lại di sản này của người lập di chúc đó là dùng vào việc thờ cúng cho nên dẫn đến một hạn chế khác của loại di sản này đó là những người thừa kế không được phép chuyển dịch. Bởi nếu chuyển dịch thì có nghĩa là họ đã không thực hiện đúng nội dung di chúc.

Thứ bảy, vấn đề xác định người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng. Thông thường trong di chúc của người để lại di sản sẽ chỉ định ai sẽ là người thực hiện việc quản lý di sản sau khi người lập di chúc chết. Với trường hợp di chúc chỉ định rõ ràng như vậy, pháp luật sẽ tôn trọng ý chí của người để lại di sản. Tuy nhiên thực tế không phải lúc nào người được chỉ định này cũng thực hiện tốt việc quản lý di sản vì nhiều lý do khác nhau. Do đó pháp luật cho phép nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Bên cạnh đó, nếu trường hợp nội dung di chúc không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng. Ngoài ra, trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật (Khoản 1 Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2015).

Trên đây là một vài những phân tích về di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định pháp luật hiện hành, trong giới hạn bài viết tác giả chỉ có thể nêu lên một số điểm cơ bản về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần sự hỗ trợ hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua website: trungtamdichuc.com; Hotline: 0963.673.969 (Zalo) để được các Luật sư, chuyên gia pháp lý giỏi giải đáp, hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất. 

Trân trọng./.

Ths. Bùi Quang Hưng

5/5 (1 Review)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *