DI CHÚC CỦA NGƯỜI HẠN CHẾ THỂ CHẤT


Quyền định đoạt tài sản của cá nhân sau khi chết là một trong những quyền cơ bản được pháp luật công nhận và bảo vệ. Pháp luật không chỉ quy định quyền được lập chúc của những người biết chữ, những người khỏe mạnh, đầy đủ các bộ phận cơ thể mà pháp luật còn ghi nhận cả quyền được lập di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ.

Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế, đất đai – 0963.673.969 (Zalo)

Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ được quy định tại Khoản 3 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 cụ thể đó là đối với người thuộc trường hợp trên thì di chúc của họ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Mặc dù pháp luật quy định về hình thức của di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ, tuy nhiên lại không có quy định cụ thể người bị hạn chế về thể chất là người như nào. Đây là một trong những khó khăn xảy ra trong thực tế khi xác định một người bị hạn chế về thể chất, để áp dụng quy định về hình thức di chúc hợp pháp của họ, bởi pháp luật chỉ đề cập tới người hạn chế về thể chất nhưng lại không đưa ra định hướng cụ thể trong việc xác định.

Mặt khác quy định của Bộ luật dân sự hiện hành về hình thức của di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ là một quy định rất nhân văn và nhiều ý nghĩa nhằm bảo vệ những người bị hạn chế về thể chất hoặc những người không biết chữ, nhưng tinh thần minh mẫn, sáng suốt và hoàn toàn tự nguyện về ý chí trong việc lập di chúc. Tuy nhiên pháp luật hiện hành lại quy định một cách chung chung rằng di chúc phải được “lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực”, không chỉ rõ rằng di chúc của họ phải được lập cụ thể là có công chứng hay là có chứng thực. Tức là thể thức của di chúc được lập như thế nào thì Bộ luật dân sự không quy định cụ thể. Do đó vấn đề đặt ra là có thể áp dụng hình thức lập di chúc có công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hay có chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã không? Thực tế vấn đề này quy định pháp luật còn mâu thuẫn, cụ thể đó là theo quy định tại Khoản 3 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 thì di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Như vậy có thể thấy theo quy định ở điều luật trên thì người lập di chúc trong trường hợp này là người làm chứng. Ngược lại, theo quy định tại Khoản 1 Điều 636 Bộ luật dân sự năm 2015 về thủ tục lập di chúc tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã thì người lập di chúc trong trường hợp này là Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã, những người này sau khi nghe người lập di chúc tuyên bố về nội dung di chúc sẽ thực hiện việc ghi chép lại và thực hiện việc công chứng hoặc chứng thực. Thêm vào đó Khoản 2 Điều 636 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Như vậy có thể thấy rõ trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì người làm chứng xuất hiện ở đây chỉ với vai trò là được “nhờ” để làm chứng, chứng kiến cho việc lập di chúc của người để lại di sản, họ không phải là người trực tiếp lập di chúc hộ cho người để lại di sản như quy định tại Khoản 3 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015. Do vậy là rất khó có thể áp dụng quy định về thủ tục lập di chúc tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã cho trường hợp di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ bởi quy định còn mâu thuẫn, không đồng nhất.

Ngoài ra việc xác định chính xác người lập di chúc là người không biết chữ để áp dụng quy định về hình thức hợp pháp đối với di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ cũng khá khó khăn. Bởi lẽ trên thực tế những tranh chấp phát sinh chỉ xảy ra khi mà người để lại di sản đã chết, những người thừa kế có thể không chấp nhận nội dung di chúc mà người để lại đã lập dẫn tới những mâu thuẫn. Do vậy tại thời điểm xảy ra tranh chấp giữa những người thừa kế thì người để lại di sản đã không còn sống để đối chiếu, kiểm tra họ có biết chữ hay không, thêm nữa họ cũng không để lại giấy, tờ, văn bản nào có để lại bút tích để giám định. Mà việc xác định người để lại di sản biết chữ hay không biết chữ thực tế tòa án chỉ căn cứ vào những bản lời khai của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong từng vụ việc cụ thể. Hạn chế trong lời khai của những chủ thể nêu trên là do họ là những con người cụ thể, họ bị ảnh hưởng, tác động bởi nhiều yếu tố về mặt trí nhớ, tâm lý, thái độ, tình cảm ở các hoàn cảnh, thời điểm khác nhau là khác nhau. Do vậy có thể dẫn tới những lời khai không chính xác, không đúng sự thật do sự ảnh hưởng bởi các yếu tố chủ quan. Như vậy có thể thấy, việc kết luận một người là không biết chữ chỉ căn cứ vào lời khai của một người khác để khẳng định là thiếu tính thuyết phục.

Pháp luật hiện hành quy định về di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ là một quy định rất nhân văn, có nhiều ý nghĩa trong việc bảo đảm quyền của những người bị coi là yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Để bảo đảm di chúc được lập theo đúng ý chí của người để lại di sản thuộc vào những đối tượng yếu thế nêu trên, hạn chế mực thấp nhất khả năng những người này bị lợi dụng điểm yếu của họ để lập di chúc không đúng với ý chí đích thực, pháp luật đã đặt quy định yêu cầu đối với hình thức di chúc của họ được coi là hợp pháp khi có người làm chứng và phải được công chứng hoặc chứng thực. Tất nhiên để đảm bảo vô tư, khách quan cho việc lập di chúc người làm chứng có thể là bất cứ ai trừ những người sau: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (Điều 632 Bộ luật dân sự năm 2015). Tương tự như vậy Công chứng viên, người có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã không được công chứng, chứng thực đối với di chúc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật; Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc (Điều 637 Bộ luật dân sự năm 2015). Mặc dù pháp luật có quy định về di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ nhưng thực tiễn xét xử Tòa án đều ít khi ghi nhận giá trị pháp lý của di chúc này vì thủ tục lập di chúc được coi là chưa rõ ràng, cụ thể. Thực trạng vấn đề này là do pháp luật hiện hành chưa có quy định thực sự cụ thể, rõ ràng về những vấn đề còn mâu thuẫn nêu trên.

Tóm lại, di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ là một một quy định rất nhân văn và có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên để áp dụng hình thức di chúc này trên thực tế còn một số vấn đề mà trong giới hạn bài viết này chỉ có thể cung cấp một vài khía cạnh nhỏ.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn pháp luật từ các Luật sư, chuyên gia pháp luật giỏi với bề dày kinh nghiệm, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: trungtamdichuc.com hoặc Hotline: 0963.673.969 (Zalo) để được hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất. 

Trân trọng./.

Ths. Bùi Quang Hưng

5/5 (1 Review)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *