Di chúc là sự thể hiện ý chí cá nhân về việc định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định ý chí này của cá nhân phải được thể hiện dưới dạng văn bản (kể cả trường hợp cá nhân lập di chúc miệng thì sau đó người làm chứng vẫn phải ghi chép lại ý chí này dưới dạng văn bản). Tuy nhiên, thực tế cuộc sống không phải bất cứ ai cũng có thể bảo quản, giữ gìn những bản di chúc này một cách cẩn thận, chu đáo. Mà đôi khi vì nhiều lý do khách quan, chủ quan những bản di chúc đã được lập có thể bị thất lạc hoặc hư hại. Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống có thể xảy ra những trường hợp như vậy, Bộ luật dân sự năm 2015 đã có quy định tại Điều 642 về di chúc bị thất lạc, hư hại để giải quyết cho vấn đề này.
MỤC LỤC
Di chúc thất lạc, hư hại là như thế nào?
Mặc dù Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về di chúc thất lạc, hư hại tuy nhiên lại không có định nghĩa rõ ràng như thế nào là di chúc thất lạc, như thế nào là hư hại. Theo Tiếng Việt thì thất lạc được hiểu là lạc mất, không tìm thấy, do vậy nên di chúc thất lạc được hiểu là di chúc bị đã được lập, có tồn tại trong thực tế nhưng tất cả các chủ thể có liên quan đều không biết di chúc đó đang được để ở đâu.
Còn hư hại cũng theo cách hiểu thông thường là bị hỏng, bị thiệt hại, không còn nguyên vẹn như lúc đầu. Do đó di chúc bị hư hại được hiểu là bản di chúc đã được lập, có tồn tại trên thực tế nhưng không còn nguyên vẹn, nguyên bản như lúc ban đầu, có thể bị hư hỏng một phần hoặc toàn bộ di chúc.
Nguyên nhân di chúc bị thất lạc, hư hại.
Hiện nay pháp luật hiện hành không có quy định nào liên quan đến việc xác định nguyên nhân của việc di chúc bị thất lạc hoặc hư hại. Do vậy nên bản di chúc đã được lập vì sao bị thất lạc, hư hại? Do ai gây ra? Nguyên nhân do đâu không quan trọng. Khi xảy ra những tranh chấp trong thực tế dẫn đến vụ việc được đưa ra Tòa án đề giải quyết thì Tòa án cũng không quan tâm tới những vấn đề nêu trên. Mà chỉ quan tâm đến tại thời điểm xảy ra tranh chấp di chúc bị thất lạc, hư hại và cách thức giải quyết trong trường hợp này.
Thời điểm di chúc bị thất lạc, hư hại.
Trong thực tế bản di chúc đã được lập có thể bị thất lạc, hư hại ở các thời điểm khác nhau: có thể là trước hoặc sau khi người để lại di sản chết. Nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại trước thời điểm người lập di chúc chết mà người này không làm lại di chúc thì có nhiều khả năng họ đã thay đổi ý chí của mình (có thể là đã thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc đã lập). Vì vậy nên pháp luật quy định chỉ áp dụng hậu quả pháp lý cho trường hợp di chúc bị thất lạc, hư hại “kể từ thời điểm mở thừa kế” (theo Khoản 1 Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2015). Điều này có nghĩa là bản gốc của di chúc phải còn tồn tại đến thời điểm mở thừa kế – tức thời điểm người lập di chúc chết. Ngược lại nếu bản di chúc đã bị thất lạc hoặc hư hại trước thời điểm mở thừa kế thì các quy định về di chúc bị thất lạc, hư hại không được áp dụng.
Di chúc bị thất lạc, hư hại.
Đầu tiên là đối với trường hợp bản di chúc bị thất lạc. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật. Như vậy có nghĩa rằng, nếu có căn cứ chứng minh được di chúc có tồn tại trên thực tế và nội dung của di chúc là ý chí đích thực của người lập di chúc thì di sản sẽ được áp dụng các quy định để chia theo thừa kế theo di chúc. Ngược lại, nếu di chúc bị thất lạc và không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì sẽ coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật. Ngoài ra, để đảm bảo cho việc tôn trọng ý chí của người để lại di sản, pháp luật có quy định trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc (Khoản 2 Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2015). Ngược lại, nếu trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, di sản đã được chia theo pháp luật mà tìm thấy di chúc thì phải chia theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu (Khoản 3 Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2015). Quy định này của pháp luật là nhằm bảo đảm tính ổn định dân sự, tránh tốn kém mất thời gian cho những người có liên quan. Bởi vì di sản đã chia theo pháp luật, mặc dù có thể không đúng với ý chí đích thực của người để lại di sản, nhưng những người thừa kế không có ý kiến, đòi hỏi gì thì không cần thiết phải tiến hành chia lại di sản một lần nữa.
Tiếp theo là đối với di chúc bị hư hại. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật. Điều này có nghĩa rằng: Nếu kể từ thời điểm mở thừa kế, bản di chúc có tồn tại nhưng không bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc. Trong trường hơp này chúng ta không thể coi như không có di chúc mà áp dụng quy định về thừa kế như pháp luật được. Mà trường hợp này chúng ta vẫn phải tôn trọng ý chí của người để lại di sản và áp dụng quy định về thừa kế theo di chúc. Thêm vào đó, trường hợp di chúc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc, nhưng có bằng chứng chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì cũng không thể coi như không tồn tại di chúc và áp dụng quy định về thừa kế theo pháp luật được. Trường hợp này chúng ta phải tôn trọng ý chí của người để lại di sản và áp dụng quy định về thừa kế theo di chúc để chia di sản theo ý chí của họ. Đối với di chúc bị hư hại chúng ta không phải chứng minh rằng di chúc có tồn tại vì bản thân khẳng định di chúc bị hư hại đã là khẳng định có tồn tại và thực tế nó vẫn luôn tồn tại hiện hữu, chỉ là nó bị hư hại đến mức độ như thế nào? Có đến mức không thể xác định được nội dung thể hiện đầy đủ ý chí cuối cùng của người lập di chúc hay không? Nếu hư hại đến mức không thể hiện đầy đủ ý chí cuối cùng của người lập di chúc thì phải có bằng chứng chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc, có như vậy mới có thể áp dụng quy định về thừa kế theo di chúc. Ngược lại nếu không thể chứng minh được những điều nêu trên thì áp dụng quy định về thừa kế theo pháp luật.
Tóm lại, trong thực tế có rất nhiều tình huống có thể xảy ra dẫn đến di chúc bị thất lạc, hư hại. Điều này dẫn đến các tranh chấp, mâu thuẫn của những người thừa kế xảy ra. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người có liên quan, pháp luật vẫn cho phép áp dụng các quy định về thừa kế theo di chúc nếu chứng minh được nó là ý chí đích thực của người để lại di sản. Quy định pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về việc chứng minh này được thực hiện như nào. Do vậy nên chúng ta có thể sử dụng mọi phương tiện để chứng minh ý chí đích thực của người để lại di sản.
Bạn đang theo dõi bài viết được biên tập trên trang web của trungtamdichuc.com. Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn pháp luật từ các Luật sư, chuyên gia pháp lý vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0963.673.969 (Zalo) để được hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất.
Trân trọng./.
Ths. Bùi Quang Hưng