THỪA KẾ THẾ VỊ


Theo quy định pháp luật dân sự hiện hành thì điều kiện đối với người thừa kế để được hưởng di sản do người chết để lại đó là họ phải còn sống tại thời điểm mở thừa kế. Do vậy nếu một cá nhân đã chết trước thời điểm mở thừa kế thì phần di sản mà họ đáng lẽ được hưởng sẽ được áp dụng quy đinh thừa kế theo pháp luật để chia cho những người thừa kế khác. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2015 thì với trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống. Trường hợp này pháp luật gọi là thừa kế thế vị. Vậy thừa kế thế vị là gì? Điều kiện để áp dụng trường hợp này như thế nào? Bài viết này của chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc trên của quý bạn đọc.

Thừa kế thế vị là gì?

Mặc dù Bộ luật dân sự hiện hành có đề cập đến thừa kế thế vị, tuy nhiên lại không đưa ra một định nghĩa cụ thể về vấn đề này? Vậy thế vị là gì? Theo nghĩa Hán – Việt thì “thế” có nghĩa là “thay vào”; “vị” có nghĩa là “ngôi thứ”, “vị trí”. Do đó có thể hiểu thừa kế thế vị chính là thừa kế bằng việc thay thế vị trí để hưởng thừa kế. Cụ thể là việc con thay thế vị trí của cha, mẹ để hưởng phần thừa kế của ông, bà đối với phần di sản mà cha, mẹ được hưởng nếu còn sống, nhưng cha, mẹ đã chết trước hoặc cùng thời điểm với ông, bà. Tương tự như vậy, nếu chắt sẽ được hưởng di sản của cụ nếu như cha, mẹ, ông, bà đều chết trước hoặc cùng thời điểm với cụ.

 Theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành thì không phải trường hợp nào cũng xuất hiện thừa kế thế vị, mà nó chỉ xuất hiện khi thỏa mãn một số điều kiện sau:

Thứ nhất, những người “thế vị” nhau phải là những người có mối quan hệ huyết thống trực hệ với nhau. Trong đó người thế vị phải là người ở đời sau, theo đó con thay thế vị trí của cha, mẹ để hưởng thừa kế nhưng cha, mẹ thì không được thay thế vào vị trí của con để hưởng.

Thứ hai, trường hợp thừa kế đặc biệt này chỉ được đặt ra khi người được thế vị chết trước hợp cùng thời điểm với người để lại di sản.

Thứ ba, trong mối quan hệ giữa người để lại di sản với người được thế vị thì người để lại di sản phải là người đời trước, người thế vị phải là người đời sau.

Thứ tư, điều kiện cuối cùng của thừa kế thế vị đó là người thế vị phải còn sống vào thời điểm người được thế vị chết hoặc nếu sinh ra và còn sống sau thời điểm người được thế vị chét thì phải thành thai trước thời điểm người được thế vị chết. Đây cũng chính là yêu cầu chung đối với người thừa kế.

Luật sư tư vấn phân chia di sản thừa kế – 0963.673.969 (Zalo).

Những trường hợp thừa kế thế vị

Thứ nhất, trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống (Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2015). Do vậy có thể hiểu trong trường hợp cha đẻ chết trước hoặc cùng thời điểm với ông nội, bà nội thì con sẽ được thay thế vị trí của cha đẻ để hưởng thừa kế di sản mà ông nội, bà nội để lại đối với phần di sản của cha mình đáng nhẽ được hưởng nếu còn sống. Tương tự như vậy, nếu mẹ đẻ chết trước hoặc cùng thời điểm với ông ngoại, bà ngoại, thì con sẽ được thay thế vị trí của mẹ đẻ để hưởng thừa kế di sản mà ông ngoại, bà ngoại để lại đối với phần di sản của mẹ mình đáng nhẽ được hưởng nếu còn sống. Cần chú ý là quan hệ giữa 3 đời (ông, bà – cha, mẹ – cháu) phải là quan hệ huyết thống. Nếu quan hệ giữa đời thứ nhất với đời thứ hai là huyết thống nhưng quan hệ giữa đời thứ hai với đời thứ ba lại là nuôi dưỡng (X sinh ra Y, Y nhận Z làm con nuôi) thì đương nhiên thừa kế thế vị không được đặt ra trong trường hợp này.

Thứ hai, chắt được thế vị cha hoặc mẹ để hưởng di sản của cụ. Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống (Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2015). Có thể hiểu đơn giản trường hợp này như sau: Chắt sẽ được hưởng di sản của cụ mình để lại nếu như ông, bà, cha, mẹ của mình đều chết trước hoặc cùng thời điểm với cụ. Tất nhiên mối quan hệ giữa những người này ở các đời khác nhau phải là mối quan hệ huyết thống.

Tóm lại, thừa kế thế vị là một trường hợp thừa kế đặc biệt chỉ được đặt ra trong trường thừa kế theo pháp luật, còn thừa kế theo di chúc thì không được áp dụng. Lý do là bởi vì thừa kế theo di chúc phải tôn trọng ý chí của người để lại di sản. Ngoài ra trường hợp thừa kế đặc biệt này chỉ được đặt ra trong phạm vi bốn đời và khi giữa các đời có mối quan hệ huyết thống trực hệ với nhau. Trong đó người để lại di sản phải là người đời trước, người thế vị phải là người đời sau. Thêm vào đó người đời sau chỉ được thay thế vào vị trí của người đời trước để hưởng di sản thừa kế của người chết khi người đời trước chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản. Quy định này là một quy định thể hiện tính nhân văn, mang truyền thống dân tộc sâu sắc, bởi di sản do người chết để lại được chia thừa kế cho chính cháu ruột hoặc chắt ruột của họ – những người có quan hệ huyết thống, gần gũi với họ.

Bạn đang theo dõi bài viết được biên tập trên trang web của trungtamdichuc.com. Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn pháp luật từ các Luật sư, chuyên gia pháp lý vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0963.673.969 (Zalo) để được hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất. 

Trân trọng./.

Ths. Bùi Quang Hưng

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *