QUYỀN CỦA NGƯỜI LẬP DI CHÚC


Pháp luật về thừa kế luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ý chí của cá nhân trong việc định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Sự tự do ý chí này được thể hiện thông qua những quyền nào, bài viết này của chúng tôi sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về những quyền cơ bản của cá nhân khi lập di chúc. Vậy quyền của người lập di chúc được pháp luật quy định như thế nào?

Luật sư tư vấn phân chia di sản thừa kế – 0963.673.969 (Zalo).

Quyền chỉ định người thừa kế.

Hầu hết mọi cá nhân đều mong muốn rằng, sau khi mình chết thì tài sản thuộc sở hữu của mình sẽ được dịch chuyển sang cho những người thân thiết, gần gũi. Những mong muốn này của họ thường được thể hiện thông qua việc lập di chúc và chỉ định rõ ràng những người mà họ muốn chuyển dịch tài sản. Trường hợp cá nhân không để lại di chúc thì mong muốn này của họ được pháp luật phỏng đoán và ghi nhận thành các quy định về thừa kế như là: quy định về diện và hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế theo pháp luật… Sự phỏng đoán này của pháp luật được xem như là hoàn toàn đúng với ý chí của người để lại di sản.

Do vậy, người được chỉ định trong di chúc thường là những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên trong thực tế không phải lúc nào người để lại di sản cũng muốn để tài sản của mình cho những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hay nuôi dưỡng. Mà đôi khi họ muốn dành tài sản của mình cho những người khác không thuộc những mối quan hệ nêu trên, thậm chí là cho các tổ chức hay cơ quan nào đó, miễn đó là ý chí đích thực của người lập di chúc (Khoản 1 Điều 626 Bộ luật dân sự năm 2015). Đây chính là một trong các quyền của người lập di chúc được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.

Truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

Trong thực tế sẽ có rất nhiều các trường hợp mặc dù người để lại di sản có để lại di chúc trước khi chết, tuy nhiên họ lại có các di sản khác chưa được định đoạt hoặc các phần di sản phải áp dụng quy định pháp luật thừa kế để chia. Thừa kế theo pháp luật chỉ là sự dự liệu để dịch chuyển tài sản của người chết trong những trường hợp không thể dịch chuyển di chuyển theo ý chí của họ được. Vì vậy, có những người thừa kế mặc dù đã đáp ứng được đầy đủ các điều kiện và có quyền hưởng di sản theo pháp luật nhưng quyền hưởng di sản đó sẽ bị tước bỏ nếu họ bị người để lại di sản truất quyền thừa kế – đây là quyền của người lập di chúc (Khoản 1 Điều 626 Bộ luật dân sự năm 2015).

Sự tôn trọng ý chí của người để lại di sản cho phép họ có quyền truất quyền hưởng di sản của một người thừa kế nào đó, nếu như họ muốn. Tất nhiên việc truất quyền này phải được thể hiện rõ trong di chúc của người để lại di sản. Chỉ khi nêu rõ người thừa kế bị truất quyền trong di chúc thì người này mới không có quyền hưởng di sản theo di chúc và pháp luật. Ngược lại nếu như người để lại di sản không nhắc đến người thừa kế bị truất quyền trong di chúc thì họ vẫn được hưởng di sản nếu họ thuộc hàng thừa kế và di sản được chia theo quy định của pháp luật.

Quyền phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

Quyền phân định phần di sản cho từng người thừa kế được pháp luật ghi nhận tại Khoản 2 Điều 626 Bộ luật dân sự năm 2015. Việc người để lại di sản định đoạt tài sản của mình trong nội dung di chúc chính là sự thể hiện của quyền phần di sản cho những người thừa kế. Kể cả khi người để lại tài sản lập di chúc đã xác dịnh người hưởng di sản thì dù không xác định mỗi người thừa kế được hưởng bao nhiêu phần di sản hì cũng đã bao hàm cả việc phân chia di sản. Mặc dù vậy nhưng pháp luật cho phép quyền của người lập di chúc được phép phân định rõ ràng, cụ thể cho người thừa kế nào hưởng những phần di sản nào, là bao nhiêu, hoặc hưởng những hiện vật là gì.

Quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

Di tặng được hiểu là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác thông qua việc thể hiện ý chí trong di chúc (Khoản 2 Điều 646 Bộ luật dân sự năm 2015). Việc di tặng này chỉ có hiệu lực khi di chúc có hiệu, tức là kể từ thời điểm người lập di chúc chết và tất nhiên người được di tặng phải còn sống vào thời điểm đó.

Quyền của người lập di chúc ngoài việc cho phép họ có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thì họ còn có quyền dành một phần di sản để dùng vào việc thờ cúng (Khoản 3 Điều 626 Bộ luật dân sự năm 2015). Một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam được truyền từ đời này sang đời khác chính là việc thờ cúng tổ tiên. Đây là bổn phận hết sức thiêng liêng và quan trọng của con, cháu. Do vậy việc một cá nhân lập di chúc và dành một phần trong số các tài sản của mình dùng vào việc thờ cúng cũng là việc hết sức bình thường. Khi di chúc phát sinh hiệu lực thì phần di sản dùng vào việc thờ cúng trong di chúc sẽ được những người thừa kế đã được chỉ định thay nhau quản lý, lưu giữ mãi mãi và không được chia thừa kế.

Quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

Giao nghĩa vụ cho người thừa kế cũng là một trong những quyền của người lập di chúc được ghi nhận tại Khoản 4 Điều 626 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, người thừa kế trong di chúc phải thực hiện một công việc vì lợi ích vật chất của người khác mà đáng lẽ khi còn sống người để lại di sản phải thực hiện. Công việc đó có thể là: việc trả nợ, bồi thường thiệt hại,… Tuy nhiên, người thừa kế không phải thực hiện những nghĩa vụ về tài sản gắn liền với nhân thân của người để lại di sản.

Thực tế xuất hiện ba trường hợp có thể xảy ra khi người lập di chúc giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

Trường hợp thứ nhất là người để lại di sản có để lại nghĩa vụ về tài sản nhưng trong nội dung di chúc lại không chỉ định rõ ràng người thừa kế nào phải thực hiện nghĩa vụ đó. Do vậy trường hơp này theo quy định pháp luật hiện hành thì ai hưởng thừa kế thì người đó phải thực hiện nghĩa vụ. Tất nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ này chỉ trong phạm vi di sản thừa kế (Khoản 1 Điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015).

Trường hợp thứ hai là người để lại di sản có để lại nghĩa vụ về tài sản và xác định nghĩa vụ mà từng người thừa kế phải thực hiện. Với trường hợp này người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ mà mình được chỉ định trong di chúc trong phạm vi di sản được hưởng (Khoản 3 Điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015).

Trường hợp thứ ba là người để lại di sản có để lại nghĩa vụ về tài sản và chỉ giao duy nhất nghĩa vụ này cho một người thừa kế. Trường hơp này chỉ người thừa kế nào được giao nghĩa vụ mới thực hiện nghĩa đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với những người thừa kế khác. Và tất nhiên khi người thừa kế này thực hiện nghĩa vụ cũng chỉ trong phạm vi di sản được hưởng. Trong trường hợp phần nghĩa vụ vượt quá số di sản mà người này được hưởng thì những người thừa kế khác phải thực hiện tương ứng với phần di sản mà họ được hưởng.

Quyền chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Sau khi lập di chúc để bảo đảm di chúc được bảo quản, giữ bí mật, cũng như tránh việc thất lạc, hư hỏng, người lập di chúc có thể tự mình giữ hoặc chỉ định người khác giữ di chúc hoặc cả bản thân và người khác cùng giữ các bản di chúc. Người giữ di chúc trường hợp này có thể là bất cứ ai mà người lập di chúc tin tưởng, thậm chí có thể chính là một trong những người thừa kế được chỉ định trong nội dung di chúc.

Ngoài việc giữ gìn di chúc thì không thể không quan tâm đến di sản. Nếu di chúc phát sinh hiệu lực nhưng di sản không còn tồn tại thì việc bảo quản, giữ gìn di chúc cũng không còn nhiều ý nghĩa. Bởi vậy, để tránh di sản bị mất mát, hư hỏng pháp luật đã dự liệu trường hợp này và cho phép người lập di chúc có quyền chỉ định người quản lý di sản. Cũng tương tự như người giữ di chúc, người quản lý di sản không bị giới hạn phạm vi là những ai. Do đó, họ có thể đồng thời là người thừa kế hoặc cũng có thể là những người không liên quan, hoặc thậm chí là các cơ quan, tổ chức.

Quyền của người lập di chúc ngoài việc chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản thì họ cũng có quyền chỉ định người phân chia di sản (Khoản 5 Điều 626 Bộ luật dân sự năm 2015). Thông thường khi chỉ định người quản lý di sản thì người lập di chúc cũng chỉ định luôn người đó là người phân chia di sản. Tuy nhiên cũng có thể người quản lý di sản và người phân chia di sản là hai người khác nhau. Và dù họ là ai thì người phân chia di sản cũng đều là người đứng ra phân chia di sản khi người lập di chúc chết. Việc phân chia di sản này phải tuân theo nội dung di chúc, trường hợp di chúc không xác định cách chia di sản thì phải chia theo sự thỏa thuận của những người thừa kế.

Quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập.

Chính vì di chúc là sự thể hiện ý chí cá nhân của người lập di chúc, cho nên nó không phải là sự bất biến, mà nó có thể thay đổi thường xuyên vào mỗi thời điểm khác nhau. Chính bởi vậy nên pháp luật về thừa kế đã ghi nhận việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập là một trong những quyền của người lập di chúc (Khoản 1 Điều 640 Bộ luật dân sự năm 2015).

Sửa đổi di chúc là việc người lập di chúc làm thay đổi nội dung một phần của di chúc do mình đã lập. Do đó những phần khác của di chúc không bị thay đổi vẫn có giá trị, còn phần bị thay đổi sẽ không còn hiệu lực mà thay vào đó pháp luật sẽ căn cứ vào ý chí thể hiện trong phần sửa đổi sau cùng.

Bổ sung di chúc được hiểu là việc người lập di chúc quy định thêm một hoặc một số vấn đề trong di chúc đã lập. Vì vậy khi di chúc phát sinh hiệu lực thì toàn bộ nội dung di chúc đã lập và phần nội dung được bổ sung thêm đều có giá trị.

Thay thế di chúc là việc một người bằng ý chí tự nguyện của mình lập một bản di chúc khác để phủ nhận, thay thế đi bản di chúc mà mình đã lập trước đó.

Hủy bỏ di chúc chính là việc người để lại di sản bỏ đi di chúc đã lập, nội dung đã định đoạt trong di chúc không phát sinh hiệu lực trên thực tế khi người để lại di sản chết.

Như vậy, có thể thấy pháp luật luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ý chí của cá nhân trong việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình sau khi chết. Biểu hiện của sự tôn trọng quyền tự do ý chí này được thể hiện khá rõ thông qua một số quyền của người lập di chúc ví dụ như: Chỉ định người thừa kế; Truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; …

Bạn đang theo dõi bài viết được biên tập trên trang web của trungtamdichuc.com. Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn pháp luật từ các Luật sư, chuyên gia pháp lý vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0963.673.969 (Zalo) để được hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất. 

Trân trọng./.

Ths. Bùi Quang Hưng

 

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *