DIỆN THỪA KẾ VÀ HÀNG THỪA KẾ


Pháp luật luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ý chí của cá nhân về việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình sau khi chết (trừ trường hợp người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc). Do vậy, người thừa kế theo di chúc có thể là những người có quan hệ thân thiết, huyết thống, nuôi dưỡng với người để lại di sản, hoặc cá nhân, tổ chức bất kỳ nào đó. Chỉ cần điều kiện duy nhất là người có tài sản muốn họ là người được hưởng di sản của mình. Ngược lại với di chúc, trong trường hợp di sản được áp dụng các quy định của pháp luật để phân chia hoặc khai nhận thì chỉ có những người có mối quan hệ nhất định với người chết mới được hưởng thừa kế. Những người được hưởng di sản trong trường hợp này là những người thuộc diện thừa kế và hàng thừa kế. Vậy diện thừa kế là gì? Hàng thừa kế là gì? Bài viết này của chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc trên của bạn đọc.

Luật sư tư vấn phân chia di sản thừa kế – 0963.673.969 (Zalo).

Diện thừa kế

Diện được hiểu là phạm vi bao gồm những đối tượng chịu cùng một tác động nhất định như nhau nào đó. Do vậy mặc dù Bộ luật dân sự năm 2015 không có định nghĩa cụ thể giải thích như thế nào là diện thừa kế. Tuy nhiên có thể hiểu diện thừa kế là phạm vi những người có quyền hưởng di sản thừa kế của người chết theo quy định của pháp luật. Cần chú ý là phạm vi những người được hưởng di sản trong định nghĩa về diện thừa kế, chỉ bảo gồm những người được hưởng theo pháp luật chứ không bao gồm những người được hưởng theo di chúc. Lý do là bởi vì những người được thừa kế theo pháp luật là những người có mối quan hệ đặc biệt với người để lại di sản, họ thường là những người có quan hệ gần gũi, hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng…. Trong khi đó những người được hưởng thừa kế theo di chúc có thể là bất cứ ai, có thể là cá nhân hoặc tổ chức, có thể là những người có quan hệ thân thích hoặc thậm chí là những người không quen biết đối với người để lại di sản. Do đó không thể xác định được phạm vi những người được hưởng di sản theo di chúc từ đó không thể định nghĩa được diện thừa kế theo di chúc.

Hiện nay theo quy định pháp luật hiện hành diện thừa kế được phân chia thành ba hàng thừa kế và xác định dựa trên ba mối quan hệ với người để lại di sản. Cụ thể như sau:

  • Thứ nhất là xác định dựa trên quan hệ hôn nhân: Vợ và chồng
  • Thứ hai là xác định dựa trên quan hệ huyết thống: Ông, bà với cháu nội, cháu ngoại; cha, mẹ với con cái; anh, chị, em….
  • Thứ ba là xác định dựa trên quan hệ nuôi dưỡng, được pháp luật quy định và thừa nhận: cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi…

Hàng thừa kế

Như đã phân tích ở phần trên diện thừa kế theo pháp luật hiện nay được phân chia thành ba hàng thừa kế. Như vậy hàng thừa kế được định nghĩa là gì? Mặc dù pháp luật hiện hành không có quy định về định nghĩa hàng thừa kế, tuy nhiên có thể hiểu hàng thừa kế là những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 thì hàng thừa kế được chia làm ba hàng:

Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Cần chú ý là không phải những người thuộc tất cả những hàng thừa kế nêu trên đều được hưởng di sản do người chết để lại. Mà thứ tự được hưởng di sản theo đúng thứ tự của ba hàng thừa kế nêu trên. Có nghĩa là những người ở hàng thừa kế thứ hai chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Tương tự như vậy, những người ở hàng thừa kế thứ ba chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế thứ hai do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản (Khoản 3 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015). Như vậy trường hợp hàng thừa kế trước vẫn còn dù chỉ là duy nhất một người thì những người thuộc hàng thừa kế sau sẽ không được hưởng di sản của người chết để lại. Trừ trường hợp người thừa kế duy nhất ở hàng thừa kế trước họ từ chối hoặc bị truất quyền hưởng di sản. Cơ sở để chia thứ tự ba hàng thừa kế đó chính là dựa trên cơ sở mức độ quan hệ thân thích, gần gũi của những người thừa kế với chính người để lại di sản.

Thêm vào đó, trường hợp di sản thừa kế được chia theo pháp luật thì những người thừa kế trong cùng một hàng sẽ được hưởng phần di sản như nhau (Khoản 2 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015). Không có việc hai người trong cùng một hàng lại có sự khác nhau về phần di sản được hưởng, trừ trường hợp họ có thỏa thuận khác. Đây cũng là một điểm cần lưu ý khi phân chia hoặc khai nhận di sản theo quy định của pháp luật, vì hiện nay trên thực tế có nhiều trường hợp những người thừa kế không có sự hiểu biết pháp luật. Do vậy dẫn tới nhiều người có những quan niệm không đúng pháp luật. Ví dụ như trường hợp: ông A và bà B bị tai nạn giao thông chết cùng ngày, không để lại di chúc di sản họ để lại là 4 mảnh đất; cha mẹ đẻ của ông A và bà B đã chết trước ông A và bà B; ông A và bà B không có cha nuôi mẹ nuôi nào; ông A và bà B chỉ có 3 người con chung là A1 (con trai), A2 và A3 là con gái. Do quan niệm sai lầm nên anh con trai A1 cho rằng: mình là con trai và lại là con trưởng cho nên mình phải được hưởng phần di sản thừa kế nhiều hơn 2 em gái của mình, nghĩa là A1 được hưởng 2 mảnh đất to còn A2 và A3 mỗi người hưởng 1 mảnh đất nhỏ. Tuy nhiên cách hiểu và phân chia như vậy chỉ là quan niệm sai lầm, theo tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại của một số người trong xã hội hiện nay. Pháp luật về thừa kế hiện hành không có sự phân biệt đối xử về giới tính, độ tuổi đối với những người trong cùng một hàng thừa kế. Chỉ cần thuộc cùng một hàng thừa kế là được hưởng phần di sản như nhau.

Tóm lại, diện thừa kế và hàng thừa kế là tiêu chí để xác định thứ tự được hưởng di sản của người chết để lại áp dụng trong trường hợp di sản được phân chia hoặc khai nhận theo quy định của pháp luật. Diện và hàng thừa kế được xác định dựa trên cơ sở là mối quan hệ thân thích, gần gũi của những người thừa kế với người để lại di sản theo ba mối quan hệ: hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng. Những người thuộc cùng một hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau và hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế trong trường hợp hàng thừa kế trước không còn ai do đã chết hoặc không có quyền hưởng di sản hoặc bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Bạn đang theo dõi bài viết được biên tập trên trang web của trungtamdichuc.com. Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn pháp luật từ các Luật sư, chuyên gia pháp lý vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0963.673.969 (Zalo) để được hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất. 

Trân trọng./.

Ths. Bùi Quang Hưng

5/5 (2 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *