Xã hội ngày càng phát triển con người có khả năng tích lũy tài sản tốt hơn, nhiều hơn, tài sản ngày càng đa dạng, phức tạp, giá trị tài sản cũng có xu thế ngày càng lớn hơn. Đi liền với nó là trình độ dân trí của mọi người trong xã hội cũng ngày càng cao, dẫn đến nhu cầu lập di chúc để định đoạt tài sản của mình trước khi chết cũng xuất hiện nhiều hơn và phổ biến hơn. Một trong những hình thức di chúc được pháp luật công nhận và bảo đảm hiện nay đó là di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
Bên cạnh việc pháp luật cho phép cá nhân được tự lập di chúc bằng văn bản (không cần có người khác trợ giúp, hỗ trợ hoặc làm chứng) pháp luật còn quy định về di chúc có người làm chứng tại Điều 628 Bộ luật dân sự năm 2015. Hình thức di chúc loại này có một số ưu điểm nổi trội hơn so với di chúc bằng văn bản tự viết tay. Thứ nhất, theo quy định tại Điều 634 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người lập di chúc có thể tự mình viết hoặc trong trường họ không tự mình viết bản di chúc được thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc. Như vậy pháp luật đã rất tạo điều kiện cho người lập di chúc có thể để lại ý nguyện của mình bằng cách tự mình viết, tự mình đánh máy hoặc cũng có thể nhờ người khác hỗ trợ nếu họ không tự mình thực hiện được vì nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau. Ví dụ như chữ viết quá xấu họ muốn đánh máy để nội dung được trình bày rõ ràng, mạch lạc hơn; Hoặc họ bị tai nạn chấn thương tay, mệt mỏi dẫn đến không thể tự mình viết hoặc đánh máy được; Hoặc cũng có thể họ biết chữ nhưng không biết sử dụng máy tính nên không thể tự đánh máy được thì cũng có thể nhờ đến sự hỗ trợ của người khác. Thứ hai, di chúc có người làm chứng làm tăng tính xác thực, độ tin cậy và niềm tin của những người có liên quan vào nội dung di chúc hơn so với di chúc bằng văn bản tự viết tay do có người khác chứng kiến việc lập di chúc của người để lại di sản.
Mặc dù có những ưu điểm như đã trình bày, tuy nhiên di chúc có người làm chứng vẫn tồn tại một số những hạn chế trong thực tiễn. Cụ thể, trường hợp người để lại di sản nhờ người khác viết hộ, đánh máy hộ di chúc thì những người được nhờ họ sẽ truyền tải vào văn bản những gì được người để lại di sản thể hiện ra bên ngoài bằng lời nói. Do đó, dẫn tới trường hợp người để lại di sản diễn đạt một ý nhưng người viết hộ, đánh máy hộ lại diễn đạt một ý khác, vì sự tin tưởng nhau trong quá trình lập di chúc nên cả người để lại di sản và những người làm chứng không đọc lại, không kiểm tra lại nội dung di chúc đã ký và cất giữ di chúc đó mà không hay biết nội dung không thống nhất với ý chí đích thực của bản thân mình. Ngoài ra, di chúc có người làm chứng mặc dù làm tăng độ tin cậy đối với những người có liên quan ở khía cạnh là có người chứng kiến việc lập di chúc của người để lại di sản trước khi chết. Tuy nhiên đó cũng lại là hạn chế của hình thức di chúc này. Bởi lẽ, người làm chứng pháp luật quy định tại Điều 634 của Bộ luật dân sự năm 2015 là tối thiểu hai người làm chứng, nhưng những người làm chứng là những con người cụ thể, họ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố về thái độ, tâm lý, tình cảm, môi trường, cảm xúc khác nhau ở mỗi hoàn cảnh, điều kiện, thời điểm khác nhau là khác nhau. Cho nên dẫn đến việc lời khai của họ khi người để lại di sản chết có thể là không khách quan, không đúng sự thật. Thậm chí có những trường hợp họ còn không thể nhớ nổi mình đã từng làm chứng cho việc lập chúc nào. Tương tự như vậy, trong trường hợp di chúc được lập có người viết hộ, đánh máy hộ thì những người này cũng bị ảnh hưởng, tác động bởi các yếu tố chủ quan dẫn đến lời khai có thể không khách quan, chính xác. Chính vì vậy nên những lời khai của những người làm chứng, người viết hộ, đánh máy hộ đôi khi lại không đáng tin cậy gây ra những nghi ngờ cho những người thừa kế. Thêm vào đó, hình thức di chúc này có xuất hiện những người khác ngoài người để lại di sản là người làm chứng và có thể có thêm người viết hộ, đánh máy hộ, cho nên tính bảo mật của di chúc loại này không được cao. Vì một trong số những người có mặt trong quá trình lập di chúc có thể vô tình hoặc cố ý không giữ kín được nội dung của di chúc, làm tiết lộ cho những người có liên quan biết. Điều này sẽ gây ra những mâu thuẫn không đáng có làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ tình cảm gia đình, thân thích, ruột thịt của người để lại di sản.
Để khắc phục những hạn chế trên nêu trên của người làm chứng, người viết hộ, đánh máy hộ hiện nay có một giải pháp cho người có nhu cầu lập di chúc đó là người được mời đến làm chứng là luật sư. Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể người làm chứng phải là những ai, mà chỉ cần người làm chứng không phải là những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc, người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc, người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Do vậy nên nếu luật sư không thuộc những người nêu trên đến làm chứng cho việc lập di chúc thì đây sẽ là một sự lựa chọn tối ưu cho người để lại di sản. Bởi luật sư là người có sự am hiểu đầy đủ, sâu rộng về lĩnh vực pháp luật. Luật sư sẽ tư vấn, hỗ trợ pháp luật cho người lập di chúc về hình thức, nội dung của di chúc để sao cho có giá trị hiệu lực trên thực tế sau khi người để lại di sản chết. Ngoài ra luật sư là người vô tư, khách quan, cẩn thận đặc biệt về vấn đề bảo mật thông tin của khách hàng (Điểm c Khoản 1 Điều 9 Luật luật sư). Điều này tạo ra sự tin tưởng và an tâm cho người lập di chúc.
Những điều kiện theo luật định để di chúc có người làm chứng được coi là hợp pháp gồm có:
- Thứ nhất về chủ thể – người để lại di sản. Theo quy định tại Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người để lại di sản phải là người đã thành niên hoặc người đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Thêm vào đó, pháp luật còn đòi hỏi người lập di chúc phải đảm bảo yêu cầu về ý chí tự nguyện, đích thực của bản thân mình. Do vậy nên di chúc có người làm chứng được coi là hợp pháp khi người lập di chúc trong trạng thái tinh thần minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (Điểm a Khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015).
- Thứ hai là điều kiện về hình thức của di chúc có người làm chứng đó là dưới dạng văn bản có thể là viết tay hoặc dưới dạng đánh máy. Người để lại di sản có thể tự mình viết, đánh máy, hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc của mình. Quy định pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể về người viết hộ, đánh máy hộ di chúc, cho nên người này có thể đồng thời là người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc (Điều 634 Bộ luật dân sự năm 2015).
- Thứ ba về nội dung của di chúc. Để được coi là một di chúc hợp pháp thì nội dung cơ bản của nó phải phản ánh đầy đủ những vấn đề sau: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản. Ngoài ra, di chúc còn có thể có thêm các nội dung khác tùy vào cá nhân mỗi người lập di chúc khác nhau. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc (Điều 631 Bộ luật dân sự năm 2015). Thêm nữa, nội dung của di chúc phải không được vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội (Điểm b Khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015).
- Thứ tư là yêu cầu về người làm chứng của di chúc. Để đảm bảo tính khách quan cho việc làm chứng, chứng kiến việc lập di chúc của người để lại di sản pháp luật hiện hành có quy định về số lượng tối thiểu phải có là hai người làm chứng trở lên. Ngoài ra người làm chứng phải đáp ứng các yêu cầu tại Điều 632 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể như sau: Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Trên đây là những phân tích về ưu, nhược điểm và những yêu cầu để được coi là hợp pháp của di chúc có người làm chứng. Trong giới hạn bài viết tác giả chỉ có thể đưa ra được những phân tích cơ bản về di chúc có người làm chứng. Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn pháp luật từ các Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: trungtamdichuc.com; Hotline: 0963.673.969 (Zalo) để được hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất.
Trân trọng./.
Ths. Bùi Quang Hưng